ThienNhien.Net – Mặc dù không có tính đa dạng sinh học cao như các khu rừng mưa nhiệt đới vùng thấp xung quanh song rừng đầm lầy than bùn Borneo nằm trong số không nhiều rừng đầm lầy than bùn đặc hữu của khu vực. Đây là môi trường sống chủ yếu của loài khỉ mũi dài (<i>Nasalis larvatus</i>) đặc hữu và quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cùng loài cá cảnh được ưa chuộng nhất thế giới – cá rồng Arowana (<i>Scleropages formosus</i>).
Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Vùng sinh thái này được hình thành bởi các khu rừng đầm lầy than bùn chạy dọc bờ biển phía Tây đảo Borneo, thuộc tỉnh Sarawak của Malaysia và tỉnh Kalimantan của Indonesia. Hầu hết phần rừng đều đi liền với bờ biển, nhưng 2 vùng rừng đầm lầy than bùn rộng lớn nhất lại tập trung quanh hồ Mahakam và Kapuas, Indonesia. Theo hệ phân loại khí hậu Köppen, vùng sinh thái này thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm.
Rừng đầm lầy than bùn ở Borneo có đặc tính thổ nhưỡng và sinh dưỡng gần giống ở đảo Sumatra (Indonesia) và bán đảo Malaysia. Lớp đất than bùn ngấm mưa chủ yếu được tạo thành từ các hợp chất hữu cơ tích tụ trong rừng đước. Rừng đầm lầy than bùn được hình thành khi các lớp trầm tích tích tụ ở những cây đước trong quá trình sông đổ ra biển. Qua thời gian, các khu vực này dần hình thành và có hình dạng như các mái vòm, hiếm khi bị ngập nước. Các chất hữu cơ tích tụ và than bùn lắng đọng có thể sâu tới 20m. Không được nước chảy qua bồi đắp, đất đai nơi đây nghèo dinh dưỡng và chua (độ pH thường nhỏ hơn 4). So với các hệ sinh thái rừng ẩm ướt khác, rừng đầm lầy than bùn không có nhiều loài sinh vật đặc hữu.
Từ bìa rừng đến khu trung tâm vùng đầm lầy trải qua nhiều hình thái rừng khác nhau, bao gồm sáu khu vực rừng có những cấu trúc sinh cảnh và hệ thực vật khác nhau rõ rệt. Hình thái rừng đầu tiên gần giống rừng khộp trên đất khoáng, tuy nhiên đất kém màu mỡ hơn. Ở hình thái rừng này chủ yếu tập trung các loài cây như Gonystylus bancanus (loài cây lấy gỗ có giá trị nhất), Dactylocladus stenostachys, Copaifera palustris, và bốn loài thuộc chi Shorea.
Loài Shorea albida đóng vai trò quan trọng trong đời sống của hệ sinh vật rừng đầm lầy và chiếm ưu thế trong các hình thái rừng từ thứ hai đến thứ tư. Hình thái rừng thứ tư cũng đặc trưng bởi các loài như Calophyllum obliquinervum, Cratoxylum glaucum, và Combretocarpus rotundatus. Các loài sinh vật chủ yếu thuộc hình thái rừng thứ năm là Tristania obovata, Palaquium cochleariifolium, và Parastemon spicatum; hình thái rừng số 6 giống xavan, với sự đa dạng phong phú của các loài Dactylocladus stenostachys, Garcinia cuneifolia, Litsea crassifolia, và Parastemon spicatum. Các loài thực vật khác thường thấy ở các khu rừng đầm lầy than bùn bao gồm các loài thuộc chi Dryobalanops và chi Melanorrhea.
Đặc tính đa dạng sinh học
Hầu hết các họ cây trong các rừng khộp vùng thấp đều xuất hiện tại rừng đầm lầy than bùn, trừ các cây thuộc họ Cơm vàng-Proteaceae, Bằng lăng-Lythraceae, Bàng-Combretaceae, và Bồ đề-Styraceae. Ít có loài cây đặc hữu tại vùng rừng đầm lầy than bùn, chủ yếu là do chúng mới được hình thành. Nhiều loài được tìm thấy trong các khu vực bị nhiễm chua ở vùng đầm lầy than bùn cũng xuất hiện ở các rừng thạch nam. Năm 1973, có 146 loài thực vật chung của cả 2 khu rừng được phát hiện. Hơn 30 loài cọ được tìm thấy tại rừng đầm lầy than bùn, bao gồm loài cọ sáp cuống đỏ Cyrtostachys lakka.
Rất nhiều các loài động vật sống trong rừng đầm lầy than bùn, nhưng chỉ có dơi Hipposideros doriae và hai loài chim, chim Javan mắt trắng – Zosterops flavus và chim sẻ mỏ câu – Setornis criniger được coi gần như loài đặc hữu. Trừ hai ngoại lệ trên, khỉ, vượn và đười ươi Orangutan đều được tìm thấy tại đây, nhưng mật độ thưa hơn. Loài khỉ đuôi dài – Macaca fascicularis và voọc bạc – Presbytis cristata tập trung ở rừng đầm lầy than bùn nhiều hơn so với rừng mưa nhiệt đới vùng thấp, nhưng chỉ dọc theo các dòng sông. Hiệu suất rừng ở triền sông cao hơn do đất giàu dưỡng chất và có nhiều ánh sáng.
Rừng đầm lầy than bùn là môi trường sống quan trọng của loài khỉ mũi dài quý hiếm – Nasalis larvatus. Khỉ mũi dài chỉ được tìm thấy tại các bờ biển và khu vực ven sông ở Borneo. Chúng là những tay bơi kỳ khôi, có thể bơi ngang qua sông bất chấp sự xuất hiện của những kẻ săn mồi như cá sấu. Buổi chiều chúng thường tập trung tại các bờ sông, nằm ngủ dưới những tán cây cao. Thức ăn của khỉ mũi dài chủ yếu là lá non và hạt của trái cây chưa chín. Giống như nhiều loài khỉ phân họ Colobinae khác, chúng phát triển dạ dày nhiều ngăn với vi khuẩn chuyên biệt tiêu hóa thức ăn.
Sự đa dạng của các loài chim có xu hướng thấp hơn tại rừng đầm lầy than bùn so với những rừng mưa nhiệt đới vùng thấp xung quanh. Tuy nhiên, tại công viên quốc gia Tanjung Putting, một khu dự trữ nước ngọt và đầm lầy than bùn ở Kalimantan (Indonesia), người ta đã xác định được hơn 200 loài chim.
Một trong những loài cá cảnh quý hiếm và được ưa chuộng nhất là cá rồng Arowana – Cleropages formosus, thường sống sâu dưới những dòng sông vùng đầm lầy than bùn. Những con sông này đồng thời cũng cung cấp một hệ động vật sông điển hình như rái cá, chim nước, cá sấu mõm dài, cá sấu và kỳ đà.
Hiện trạng và những mối đe dọa môi trường sinh thái
Rừng đầm lầy than bùn trước kia phân bố rất rộng lớn tại tỉnh Sarawak và phía Tây Nam tỉnh Sabah, Malaysia. Nhưng hiện nay một nửa khu vực này đã bị xóa sổ. Có lẽ rừng đầm lầy than bùn ở Brunei là ổn định nhất trong khu vực.
Vào năm 1997-1998, các đám cháy rừng do khô hạn đã phá hủy một diện tích rộng lớn những cánh rừng vùng thấp. Trong 2 năm đó, hơn 7.500 km2 rừng đầm lầy than bùn đã bị cháy rụi. Các khu vực Kutai and Muara Kaman, Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn cháy, hầu như không có khu vực nào không bị ảnh hưởng. Rừng đầm lầy than bùn đặc biệt dễ cháy và sản sinh ra các khí gây ung thư nhiều hơn bất kỳ một hình thái rừng nào. Đám cháy trên diện rộng tại khu rừng đã gây ra một lượng lớn các chất khí độc hại, bao phủ phần lớn Indonesia và Malaysia, lan lên phía Bắc tới Thái Lan. Than bùn còn cháy ở dưới lòng đất, phá hủy các giống cây và lớp đất đá, mà phải mất hàng nghìn năm để phục hồi.
Cháy rừng cũng gây hại đến các quần thể động vật hoang dã. Một số lượng không thể xác định các loài chim, bò sát, lưỡng cư, linh trưởng và các loài động vật có vú khác đã chết trong đám cháy hoặc ngay sau đó do khan hiếm thức ăn. Hàng trăm con đười ươi Orangutan, khi chạy trốn vào làng để tránh lửa, đã bị dân làng giết để lấy thịt, và những con nhỏ được bán cho những kẻ buôn bán động vật quốc tế. Cháy rừng chính là mối đe dọa lớn nhất tới sự sinh tồn của loài đười ươi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này. Loài khỉ mũi dài là loài linh trưởng mất môi trường sống nhiều nhất do cháy rừng bởi các khu vực rộng lớn ven sông và dọc bờ biển đã bị lửa thiêu trụi.
Hiện tại, những mối đe dọa với rừng đầm lầy than bùn là những kế hoạch mở rộng hoạt động lâm nghiệp dẫn đến khai thác rừng quá mức và việc đốt rừng để trồng cọ hay một số cây nông nghiệp mang tính thương mại khác. Để có thể bảo vệ được những khu rừng này, ba nước có chủ quyền trên đảo Borneo, Malaysia, Indonesia và Brunei, cần có những chính sách nghiêm ngặt hơn kèm theo những hành động cụ thể.