ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ Kế hoạch phát triển khoa học công nghệ dài hạn và trung hạn của quốc gia do Quốc hội Trung Quốc thông qua năm 2006, nhằm đề ra các phương hướng phát triển cho nền khoa học và công nghệ Trung Quốc trong vòng 15 năm tới, Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một dự án cải thiện chất lượng nước có nguồn ngân sách lớn nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường từ trước đến nay.
Dự án này có ngân sách ước tính hơn 30 tỷ NDT (tương đương 4,4 tỷ USD), kéo dài trong 12 năm với mục tiêu là ngăn chặn sự suy giảm chất lượng nước vốn đang tác động lên hàng triệu người Trung Quốc và kế sinh nhai của họ.
Ông Meng Wei, kỹ sư trưởng của dự án, đồng thời là giám đốc Viện Khoa học Môi trường Quốc gia, cho biết Dự án Quản lý và Hạn chế ô nhiễm nguồn nước, thường được gọi là Dự án đặc biệt về nước, sẽ tập trung vào việc xử lý nguồn nước ở các lưu vực sông, thay cho cách truyền thống là xử lý nước trong bể chứa.
Chẳng hạn, việc áp dụng phương pháp xử lý này ở hồ bị ô nhiễm nặng Tai – hồ nước ngọt lớn thứ 3 của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Thượng Hải mà còn cho cả các tỉnh phía Đông là Giang Tô và Chiết Giang.
Ông Meng cho biết với sự hợp tác của Bộ Bảo vệ môi trường và Bộ Quy hoạch Phát triển Nông thôn – Đô thị, mục tiêu của dự án là bảo đảm nguồn nước uống vệ sinh và cải thiện toàn bộ môi trường nước.
Trong buổi công bố dự án vào tháng 2/2009, ông Liu Yanhua, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết nước sạch hiện là mối quan tâm lớn của Trung Quốc vì 64% lượng nước cung cấp cho các thành phố được xác định là chỉ phù hợp cho công nghiệp và nông nghiệp và ở chừng mực nào đó một nửa tổng số các thành phố đã và đang chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nước ngầm.
Vào mùa hè năm 2007, sự phát triển bùng phát của tảo ở hồ Taihu đã khiến cho hơn 1 triệu dân thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô không có nước dùng trong hai ngày. Hạn hán lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng 2 đã tác động tới 10.7 triệu ha đất nông nghiệp ở ít nhất 12 tỉnh thuộc miền Bắc Trung Quốc.
Một số dự án thử nghiệm sẽ được tiến hành trên các con sông chính khắp Trung Quốc, như sông Hải Hà, sông Hoài, sông Liêu Hà và sông Tùng Hoa, cũng như hồ Tai và Tam Điệp.
Tuy nhiên, ông Qin Boqiang, một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và Thủy học Nam Kinh cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc kiểm soát nguồn gây ô nhiễm thay vì giải quyết hậu quả mà nó gây ra.