ThienNhien.Net – Nông nghiệp từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích nghi của các loại cây trồng với điều kiện nhiều biến đổi của môi trường. Nếu không có sự thích nghi đa dạng này thì nông nghiệp không thể phát triển được. Nhưng hành động của con người đang đặt sự đa dạng này vào mối nguy cơ bị xâm hại thông qua việc tàn phá môi trường sống của chúng và đưa vào các loài ngoại lai, nhất là ở những nơi sự đa dạng sinh học đang đặc biệt nguy cấp như các nước nhiệt đới đang phát triển. Nguy cơ này đã thúc đẩy nhiều nỗ lực tìm kiếm và bảo tồn các loài cây có các đặc điểm thích nghi đặc biệt với khu vực vành đai trong hệ thống trồng trọt nhiệt đới.
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu Bettina Heider, Elke Fischer, Tanja Berndl, và Rainer Schultze-Kraft trong báo cáo “Mối liên hệ gen giữa 4 loài Desmodium và các chủng liên quan (Ba chẽ – Dendrolobium triangulare, Cỏ cháy – Desmodium gangeticum, Thóc lép mạng – Desmodium heterocarpon và Cổ bình – Tadehagi triquetrum)” đăng trên ấn bản tháng 3/2009 của tạp chí Khoa học Bảo tồn Nhiệt đới đã trình bày nghiên cứu của họ về cây họ đậu ở Đông Nam Á, khu vực được coi là có nhiều loại cây họ đậu nhất.
Các tác giả đã sử dụng công nghệ tạo phân tử, chất tạo ADN phóng đại ngẫu nhiên qua nhiều giai đoạn (RAPD), để nghiên cứu mối liên hệ gen giữa 4 mẫu hạt Desmodium và các hạt cùng chủng loại thu được ở tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam. Họ chỉ ra rằng những loại cây họ đậu này xuất hiện tự nhiên ở các khu vực nhiệt đới châu Á, châu Úc và châu Đại Dương, có khả năng trở thành thức ăn cho súc vật hoặc làm cây thuốc.
Heider và các đồng sự của ông cho biết nghiên cứu của họ cung cấp những dữ liệu nền tảng cho việc lưu trữ giống và chiến lược bảo tồn ngân hàng gen: “Vì công tác bảo tồn ngân hàng gen rất tốn kém, các nghiên cứu bắt buộc phải mô tả sự đa dạng sinh thái, đảm bảo mức độ đa dạng tối đa cho mỗi vùng và các loài phải được đưa vào bộ sưu tập trong ngân hàng gen”.