ThienNhien.Net – Trong bối cảnh môi trường đang suy thoái và trái đất đang nóng lên, những công cụ kinh tế hứa hẹn là một giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu cũng như tạo sinh kế cho người dân nghèo bên cạnh những nỗ lực thích nghi, phòng chống biến đổi khí hậu. REDD là một trong những công cụ kinh tế như vậy. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, ThienNhien.Net xin được giới thiệu với bạn đọc những chia sẻ của TS. Phạm Mạnh Cường về REDD và việc thực hiện REDD tại Việt Nam.
Tài chính các-bon: Thị trường còn bỏ ngỏ
– Thưa Tiến sĩ, REDD là cụm từ còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tiến sĩ có thể giới thiệu đôi chút về REDD và ý nghĩa của nó?
TS. Cường: REDD là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh – Reduced Emission from Deforestation in Developing Countries – nghĩa là Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển. Đây là sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 11 (COP11) các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được tổ chức tại thành phố Montreal, Canada năm 2005.
Sáng kiến này xuất phát từ thực tế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng đang đóng góp một tỉ lệ lớn, khoảng 15-20% tổng lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra trên phạm vi toàn cầu. Nói cách khác, đây là một nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể góp phần làm biến đổi khí hậu. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng sẽ là một biện pháp bảo vệ khí hậu trái đất hiệu quả và tương đối rẻ tiền so với các giải pháp khác.
Tại Hội nghị lần thứ 13 (COP13) diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 12/2007, các bên đã thông qua Kế hoạch Hành động Bali (Bali Action Plan) trong đó có đề xuất lộ trình xây dựng và đưa REDD trở thành một cơ chế chính thức thuộc hệ thống các biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt là sau khi giai đoạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. Hội nghị kêu gọi các bên tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm REDD và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn làm cơ sở để Hội nghị lần thứ 15 (COP15) sẽ được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 năm nay xem xét, quyết định.
Ban đầu người ta chỉ mới quan tâm đến mất rừng nhưng kết quả các nghiên cứu gần đây đã cung cấp những bằng chứng cho thấy suy thoái rừng làm phát thải một lượng khí nhà kính (chủ yếu là CO2) gần tương đương với mất rừng. Sau nhiều tranh cãi, hiện nay REDD được viết thành Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries – nghĩa là Giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, cùng với Chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện REDD hy vọng sẽ tạo nguồn tài chính mới, bền vững là động lực mạnh mẽ khuyến khích người dân và mọi thành phần kinh tế tham gia quản lý và sử dụng rừng bền vững góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. |
Nếu trở thành một cơ chế tài chính chính thức trong các thỏa thuận quốc tế thì trước hết REDD sẽ góp phần làm hạn chế biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, thực hiện REDD cũng đồng nghĩa với việc rừng được quản lý và sử dụng bền vững, đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường của rừng được bảo tồn, góp phần cung cấp gỗ và các lâm sản ngoài gỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển có diện tích rừng tự nhiên lớn.
Tuy nhiên, áp dụng REDD cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, chẳng hạn việc giám sát và lượng hóa suy thoái rừng gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất và pháp lý của các nước đang phát triển còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, theo Nghị định thư Kyoto, các nước đang phát triển không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
– Xin Tiến sĩ cho biết REDD được áp dụng cho những loại rừng nào?
TS. Cường: Trước mắt, REDD sẽ được áp dụng cho tất cả diện tích rừng tự nhiên không phân biệt rừng sản xuất, phòng hộ hay đặc dụng.
– Việt Nam có những cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế nào để tham gia REDD? Tiềm năng phát triển cơ chế REDD ở nước ta được đánh giá ra sao?
TS. Cường: Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, tính đến tháng 12 năm 2007, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam là 10,28 triệu hécta (tương đương với 31% tổng diện tích tự nhiên). Mặc dù trong những năm vừa qua độ che phủ của rừng có tăng (từ 28% năm 1993 lên 38,7% năm 2008), tình trạng mất rừng và suy thoái rừng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Rừng nước ta có tính đa dạng sinh học cao, là nơi hội tụ của các luồng động, thực vật từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam. Như vậy, xét theo 3 tiêu chí của Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF): diện tích rừng tự nhiên hiện có, đa dạng sinh học và diễn biến tài nguyên rừng thì Việt Nam đủ tiêu chuẩn được lựa chọn là nước thí điểm tham gia thực hiện REDD.
Việt Nam đã tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) vào tháng 11/1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào tháng 9/2002 nên chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và tiêu chí quốc tế để tham gia REDD.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến bảo vệ và phát triển rừng, gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn miền núi. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Luật Bảo vệ Môi trường (2005) và Luật Đa dạng sinh học (2008) đều có quy định về nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Quản lý rừng bền vững là một trong năm Chương trình trọng yếu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 5/2/2007.
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng là một nội dung quan trọng trong Khung Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Quyết định số 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 5/9/2008) và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (tại Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008).
Tại Quyết định 158/2008/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cần phải huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó sự tài trợ của cộng đồng quốc tế là hết sức quan trọng. Hấp thụ carbon được coi là một dịch vụ môi trường do rừng đem lại, do vậy thực hiện REDD sẽ góp phần hoàn thiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam có lợi thế là chúng ta có hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp thống nhất từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai REDD. REDD hứa hẹn là một cơ chế tài chính hiệu quả để thực hiện các chủ trương, đường lối này.
– Đề nghị ông cho biết Việt Nam đã tham gia REDD như thế nào? Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã chuẩn bị những gì để REDD được triển khai?
TS. Cường: Quá trình thực thi REDD được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2008-2012) – Nâng cao năng lực ở các cấp và các bên có liên quan trong việc thực thi REDD đồng thời tiến hành các dự án thử nghiệm, giai đoạn 2 (sau 2012) – Triển khai REDD (nếu REDD chính thức trở thành một cơ chế tài chính trong các Thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu).
Theo Nghị định số 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trong đó có ngành lâm nghiệp – là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan đầu mối quốc gia thực thi UNFCCC) và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu triển khai REDD ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Cục Lâm nghiệp là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai REDD.
Thực hiện Quyết định số 2 của Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia UNFCCC (COP13), tháng 02/2008 Việt Nam đã gửi tới Ban Thư ký của Công ước tài liệu nêu quan điểm về phương pháp cũng như lộ trình thực hiện REDD, trong đó có đề xuất các hoạt động cần sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã gửi thư bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia REDD tới Văn phòng thường trực của LHQ tại Việt Nam. Đáp lại, Chính phủ Na Uy và Chương trình giảm khí thải do phá rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp quốc (UN-REDD) đã cử đoàn chuyên gia cao cấp sang Việt Nam vào tháng 01/2009.
Đoàn đã làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ ngành có liên quan khác để tìm hiểu mối quan tâm cũng như nhu cầu trợ giúp của Việt Nam trong quá trình xây dựng và triển khai REDD, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về REDD, cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện.
Dự kiến trong quý II năm 2009, UN-REDD và FCPF sẽ cử một đoàn công tác đến Việt Nam bàn thảo về khả năng phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới, UN-REDD và các nhà tài trợ khác trong việc thực thi REDD.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã tiến hành trao đổi với các nhà tài trợ tiềm năng khác như Hà Lan, Phần Lan, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, ADB…để tìm kiếm thêm nguồn tài trợ và đã đạt được những kết quả khả quan. Nhân chuyến thăm và làm việc của Ngài Håkon Gulbrandsen – Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế NaUy, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN & MT sẽ cùng trao đổi về khả năng hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có REDD.
Nhằm tăng cường khả năng phối hợp và lống ghép Chương trình, dự án, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cũng như huy động mọi thành phần kinh tế và các nhà tài trợ tham gia thực thi REDD, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TN và MT và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình REDD quốc gia.
– Xin ông cho biết thêm về nguồn kinh phí để thực hiện REDD và hiện nay đã có những hoạt động/dự án cụ thể nào đã được triển khai?
TS. Cường: Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và UN-REDD, để có đủ năng lực thực hiện REDD trung bình mỗi quốc gia đang phát triển cần khoảng 100 triệu USD giai đoạn từ 2008-2015. Nguồn kinh phí chủ yếu sẽ là tài trợ không hoàn lại từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Lâm nghiệp – là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Lâm nghiệp, đã phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế và các chuyên gia của FFI, SNV, JICA và một số tổ chức khác xây dựng Bản để xuất ý tưởng dự án (R-PIN) kêu gọi sự tài trợ của Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp thuộc Ngân hàng thế giới (WB), gọi tắt là FCPF.
Tháng 07/2008, bản đề xuất này đã được FCPF phê duyệt và Việt Nam đã chính thức trở thành 1 trong 14 nước đầu tiên tham gia FCPF. Theo đó, Việt Nam sẽ được tài trợ 200.000 USD để xây dựng văn kiện đề xuất chi tiết (R-Plan). Nếu R-Plan được thông qua, Việt Nam sẽ được nhận khoản tài trợ khoảng 2 triệu USD để thực hiện thí điểm REDD.
Tuy nhiên, do thủ tục phê duyệt phức tạp, hiện nay Việt Nam cũng như hầu hết các nước được FCPF lựa chọn chưa tiếp cận được nguồn tài trợ trên. Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đầu tháng 4 tới WB sẽ cử một chuyên gia sang Việt Nam để cùng bàn bạc và tháo gỡ các vướng mắc để làm sao chúng ta có thể nhanh chóng có thêm nguồn lực cũng như tận dụng được kinh nghiệm và các thế mạnh của WB cho việc thực hiện REDD.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện của Cục Lâm nghiệp đã bảo vệ thành công đề xuất ý tưởng Chương trình REDD của Việt Nam tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính sách của UN-REDD được tổ chức ngày 10/03/2009 tại Panama. Theo đó, UN-REDD sẽ tài trợ cho Việt Nam khoản kinh phí ban đầu khoảng 4,38 triệu USD nhằm nâng cao năng lực cấp quốc gia và địa phương để thực thi REDD. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai dự án.
– Ông đánh giá vai trò tham gia của các bên: Nhà nước – doanh nghiệp – cộng đồng – NGOs đối với REDD như thế nào?
TS. Cường: Nhà nước ta đã và đang tiến hành giao đất giao rừng cho các thành phần kinh tế xã hội. Khi nhận đất rừng, họ chính là những người chủ thực sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Họ là người được hưởng trực tiếp và phần lớn lợi ích từ các hoạt động trên sau khi đã trích nộp các khoản phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện REDD, Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò quản lý và điều phối các hoạt động nhằm đảm bảo tính thống nhất. Hiện nay, Bộ NN và PTNT đang phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu mô hình tổ chức và thực hiện.
Trong tương lai, REDD sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường. Do vậy, sự tham gia của đa dạng các thành phần kinh tế và các bên có liên quan sẽ đảm bảo tính minh bạch và bền vững của cơ chế này.
– Thưa Tiến sĩ, có mối liên hệ nào giữa REDD và CDM?
Thực chất thì REDD và A/R CDM đều nhằm tăng cường sự hấp thụ carbon của rừng. Tuy nhiên, đối tượng của REDD là rừng tự nhiên hiện có, còn A/R CDM đúng như tên gọi của nó là thực hiện trồng rừng (Afforestation) và tái sinh rừng tự nhiên (Reforestation).
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ đã tham gia cuộc trò chuyện với chúng tôi!
TS. Phạm Mạnh Cường từng tu nghiệp tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT – Thái Lan), Canada và tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức – chuyên ngành Kinh tế Môi trường. Ông đang công tác tại Cục Lâm nghiệp – Bộ NN & PTNT. Hiện nay, ông quan tâm và tham gia một số lĩnh vực như: Nghiên cứu và thực thi các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp, đặc biệt là REDD và CDM; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các chính sách bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo (với phương châm “bảo tồn để phát triển”); nghiên cứu xây dựng các chính sách tạo ra các nguồn và cơ chế tài chính bền vững góp phần khuyến khích và thúc đẩy mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rừng bền vững nói riêng; ứng dụng các công nghệ Viễn thám, GIS, IT và các mô hình toán kinh tế không gian trong quy hoạch, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.