ThienNhien.Net – Cũng như nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, trước đây, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh vốn là một địa phương thuần nông, đa số người nông vốn chỉ quen với việc trồng lúa nước là chủ yếu nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gặp không ít khó khăn. Nhưng từ khi quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển nuôi trồng thuỷ sản và Nghị quyết 06-NQ/HU về phát triển tiểu thủ công nghiệp và đa dạng hoá các ngành nghề ở nông thôn của Huyện uỷ Quảng Ninh, số lượng, quy mô diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở xã Vĩnh Ninh ngày càng tăng lên đáng kể. Trong đó có nhiều mô hình lúa – cá – chăn nuôi kết hợp đã ra đời và thực sự phát huy hiệu quả.
Theo báo cáo của Trạm khuyến nông xã Vĩnh Ninh, nếu như trước năm 2001, cả xã chưa có mô hình lúa cá kết hợp nào, thì đến đầu năm 2009, số lượng mô hình loại này là 14, trong đó 7 mô hình cho lãi trên 60 triệu/năm, điển hình như mô hình của gia đình các ông Lê Dũng, Trần Văn Túc, Trần Văn Hiền, Nguyễn Hồng Thái, Trần Văn Sơn, Bùi Văn An và Nguyễn Văn Luân.
Được biết, do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, mỗi mô hình cá – lúa – chăn nuôi kết hợp ở xã Vĩnh Ninh thường có diện tích không lớn, chỉ khoảng từ 0,7 – 01 ha. Các hộ gia đình chỉ sử dụng 1/3 diện tích để nuôi cá và chăn nuôi lợn thịt, còn lại dùng để canh tác lúa, nhưng nguồn thu chủ yếu nhất vẫn là chăn nuôi lợn thịt. Bình quân 1 năm, mỗi mô hình chỉ thả nuôi 01 vụ cá trăm cỏ, cá rô phi đơn tính, sản xuất 2 vụ lúa và chăn nuôi được 5 lứa lợn lấy thịt.
Tuy nhiên, không chỉ thiếu vốn, hiện tại hầu hết các hộ gia đình ở Vĩnh Ninh còn thiếu kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên tình trạng dịch bệnh gây hại cây trồng, vật nuôi vẫn xảy ra thường xuyên.
Anh Lê Dũng, chủ mô hình ở thôn Lệ Kỳ 3 cho biết, từ khi xây dựng mô hình theo Nghị quyết 05 cuả Huyện uỷ Quảng Ninh, mỗi ha các hộ gia đình được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng, còn các nguồn vốn vay ưu đãi khác và việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hầu như chưa có, nên các hộ gia đình còn gặp không ít khó khăn.
Hiện tại có nhiều mô hình ở đây đang có ý định đầu tư nuôi ếch, nuôi ba ba, cá lóc, nhưng do chưa có kinh nghiệm, nên việc triển khai còn chậm. Mong muốn lớn nhất của các hộ gia đình ở đây là sớm được hỗ trợ nguồn vốn và được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để việc mở rộng phát triển mô hình ngày càng thuận lợi và hiệu quả cao hơn.