ThienNhien.Net – Ngày 27/03, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư Khu công nghiệp Công nghệ cao Đà Nẵng 2009 với sự tham dự của đồng chí Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và hơn 300 đại biểu đến từ các công ty trong và ngoài nước.
Trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung, Dự án Khu Công nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phát trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, hình thành các ngành công nghiệp mạnh về công nghệ cao của Thành phố, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm cho nhân dân địa phương và khu vực, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng, cơ bản đưa thành phố này trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Đồng thời thông qua diễn đàn, thể hiện với các nhà đầu tư về thiện chí của chính quyền thành phố, cho thấy Đà Nẵng đã và đang là địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và hiệu quả. Điều đó được minh chứng bằng việc thành phố này được xếp vị trí thứ nhất trong chỉ số cạnh tranh PCI năm 2008.
Diễn đàn Đầu tư Khu công nghiệp Công nghệ cao Đà Nẵng 2009 cũng là dịp để lãnh đạo thành phố tiếp cận và giới thiệu với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về Dự án Khu Công nghiệp Công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng. Đây là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cho việc phát triển Khu Công nghiệp Công nghệ cao Đà Nẵng.
Thông qua diễn đàn này, chính quyền thành phố mong muốn nhận được những góp ý, trao đổi về kinh nghiệm từ những chuyên gia về những mô hình phát triển, các giai đoạn phát triển, các giải pháp về huy động vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như tranh thủ sự đồng tình, phối hợp với các cơ quan trung ương và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng và triển khai dự án.
Bày tỏ quan điểm về Dự án này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, việc Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh, thể hiện tinh thần tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của địa phương. Dự án là cơ hội quý báu để các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao tìm hiểu rõ hơn về các chính sách, cơ chế thông thoáng cũng như tiềm năng của thành phố Đà Nẵng. Với Dự án này, Đà Nẵng ngày càng thể hiện rõ vai trò là mắt xích chủ đạo, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.
Hiện nay trên cả nước đã có nhiều địa phương triển khai hoặc có kế hoạch thành lập khu công nghệ cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… Nhưng với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và giao thông cũng như hệ thống đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng, nằm bên cạnh Quốc lộ 14B và đường tránh Nam hầm đường bộ Hải Vân và trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, đường cao tốc Đà Nẵng –Dung Quất, cách trung tâm thành phố và sân bay quốc tế Đà Nẵng khoảng 15 km, cách Cảng Đà Nẵng 25 km…
Khu Công nghệp công nghệ cao Đà Nẵng kết nối dễ dàng với các vùng kinh tế lớn của cả nước và thế giới. Đà Nẵng còn là một trong ba trung tâm thông tin viễn thông chính của cả nước có trạm cập bờ cáp quang SE-ME-WE 3 kết nối đường truyền với thế giới và đảm nhiệm 2/3 các giao dịch viễn thông quốc tế của cả nước…
Với những điều kiện thuận lợi đó, Đà Nẵng có thể mạnh dạn đầu tư phát triển Khu Công nghiệp mà không sợ bị chồng chéo, giảm hiệu quả đầu tư với các ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân/thiết bị ngoại vi, máy văn phòng; sản xuất trang thiết bị thông tin liên lạc; phần mềm công nghệ thông tin; quang điện tử; mạch tổ hợp, chất bán dẫn; cơ khí chính xác; trang thiết bị khoa học (thiết bị y tế, thiết bị đo lường chính xác, dụng cụ quang học; Công nghiệp ứng dụng các công nghệ nền của công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra sản phẩm phục vụ các ngành nông nghiệp; chế biến thực phẩm; sản xuất ra các sản phẩm dùng trong ngành y và công nghiệp dược phẩm; bảo vệ môi trường; vật liệu…
Một điều thuận lợi nữa, là Đà Nẵng có thể chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng hiện có 14 trường đại học và cao đẳng, đào tạo tất cả các lĩnh vực trong đó có các ngành liên quan đến công nghệ cao như Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Tự động hoá… Một số trường đại học của Đà Nẵng cũng đã liên kết với các trường đại học quốc tế như Hoa kỳ, Nhật và một số nước Châu Âu để đào tạo sinh viên với chất lượng cao. Bên cạnh đó là gần 20 trường dạy nghề và khoảng 70 trung tâm đào tạo tư nhân.
Khi dự án đang khởi động thì thành phố cũng sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề để hướng nghiệp cho học sinh và định hướng đào tạo cho các trường. Qua đó có thể giới thiệu cho các nhà đầu tư khả năng đáp ứng các yêu cầu về nhân lực công nghệ cao theo đơn đạt hàng của các nhà đầu tư này. Các cơ sở đào tạo tại miền Trung như ở Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn… cũng sẽ cung cấp một nguồn nhân lực không nhỏ cho khu công nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện được dự án trên, chính quyền thành phố cũng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải đưa ra được tầm nhìn và các chính sách cụ thể, xây dựng kế hoạch khả thi, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, có chất lượng cao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường học – doanh nghiệp – chính phủ, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thực hiện các chương trình quảng cáo, xúc tiến đầu tư trên quy mô lớn, tranh thủ và đặt quan hệ với các doanh nghiệp, các tổ chức, các khu công nghiệp công nghệ cao lớn trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia cũng như tìm kiếm đơn đặt hàng từ các nhà đầu tư. Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư tiềm năng để phân kỳ các giai đoạn đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển và lợi thế cạnh tranh của thành phố.