ThienNhien.Net – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Văn Đức vừa có buổi làm việc với Trung tâm Viễn thám Quốc gia. Tham dự có đại diện các Vụ, Viện, Tổng Cục, Cục, Trung tâm trực thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức nhắc nhở: Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa hình – thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chậm gần 2 năm, yêu cầu Trung tâm sớm hoàn tất để Cục Đo đạc và bản đồ thẩm định. Tiến độ xây dựng đề án phí thu ảnh vệ tinh và các dịch vụ cũng cần được đẩy nhanh. Cần sớm công bố chính thức về khả năng của công nghệ viễn thám ứng dụng ở Việt Nam.
Đối với kiến nghị Bộ bổ sung vào Đề án tổng thể về Điều tra cơ bản và Quản lý TN&MT biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra tài nguyên môi trường biển, Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm xây dựng dự án cụ thể trình Bộ. Tới đây, Trung tâm cần chủ động quảng cáo rộng rãi ứng dụng của công nghệ viễn thám, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi.
“Ứng dụng công nghệ viễn thám trong các lĩnh vực của Bộ đến đâu, dịch vụ của Trung tâm Viễn thám cung cấp được gì thì phải công bố chính thức bằng văn bản. Trước mắt Trung tâm phải làm việc với các đơn vị để nắm bắt được nhu cầu của các đơn vị” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, Trung tâm là đơn vị có mô hình tự chủ tốt, cần phổ biến nhân rộng. Bộ trưởng chỉ đạo, Trung tâm nên tổ chức một hội nghị để các đơn vị nắm bắt được toàn bộ khả năng của Trung tâm; phải có chiến lược cụ thể để quảng bá dữ liệu và việc ứng dụng viễn thám ở Việt Nam. Tới đây, cần thiết lập sân chơi, đẩy mạnh việc phục vụ cho các Bộ ngành, đặc biệt là cho Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các địa phương trong cả nước.
Ngoài ra, cần quan tâm đặc biệt tới nghiên cứu khoa học vì viễn thám là công nghệ cao, luôn có sự thay đổi cần phải được cập nhật thường xuyên. Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước khác để học hỏi kinh nghiệm. Tới đây, Trung tâm cần rà soát lại nguồn lực, quy hoạch cán bộ, đa dạng hóa các nguồn vốn.
“Để các Bộ, ngành, địa phương biết đến những sản phẩm viễn thám Trung tâm cần có bộ phận maketting” – Bộ trưởng nói.
Trước đó, Giám đốc Trung tâm Viễn thám Nguyễn Xuân Lâm cho biết, mục tiêu phát triển trong thời gian tới của Trung tâm là mở rộng các ứng dụng viễn thám trong ngành tài nguyên nước và môi trường và các ngành kinh tế quốc dân khác. Nâng cao chất lượng thu thập thông tin bằng phương pháp viễn thám ứng dụng vào các lĩnh vực do Bộ quản lý, thay thế dần các phương pháp thu nhập thông tin công nghệ đã lạc hậu. Ứng dụng cơ sở dữ liệu viễn thám Quốc gia và GIS vào phục vụ chủ trương kinh tế hóa sản phẩm ngành tài nguyên môi trường; nâng cấp trạm thu ảnh viễn thám để thu ảnh vệ tinh nhỏ VNREDSat – 1.
Đến nay Trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám đã đi vào họat động và thu được hơn 140.000 ảnh SPOT các loại SPOT2,4,5, ENVISAT ASA và MERIS. Hiện Trung tâm đang thu ảnh SPOT5 phục vụ chương trình Điều tra kiểm kê rừng chu kỳ IV của Bộ NN&PTNT (năm 2008 đã cung cấp được cho 15 tỉnh có rừng). Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm còn kết hợp với trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mở lớp bồi dưỡng kiến thức về viễn thám ứng dụng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cho các đơn vị thuộc Bộ và các ngành, địa phương khác.