ThienNhien.Net – Hai bên bờ sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái hiện có khá nhiều cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm sản đang đua nhau xả nước thải ô nhiễm ra sông. Mặc dù lưu lượng dòng chảy của sông Hồng rất lớn, nhưng đoạn nơi các nhà máy xả chất thải, có thể quan sát rõ sự ô nhiễm bằng mắt thường.
Tại khu vực nhà máy chế biến sắn Đông Cuông huyện Văn Yên của Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm Yên Bái, trong bán kính chừng 1km, bằng cảm quan, người ta cũng có thể đã phát hiện được mùi sú uế nồng nặc. Bể xử lý chất thải trong nhà máy có những lớp váng nhầy nhụa, đen, đặc quện được dẫn ra phía sau bức tường thành bao quanh nhà máy qua đường ống dẫn nước thải từ “bể xử lý” xuống 5 ao lắng nhỏ.
Tuy đã qua xử lý, nhưng nước vẫn có màu đen đặc và nồng nặc mùi sú uế. Vào cao điểm, trung bình mỗi ngày nhà máy cần tới lượng nguyên liệu 300 tấn sắn tươi và như vậy sẽ thải ra gần 900m3 nước thải.
Theo người dân xã Đông Cuông, cứ khoảng nửa tháng, nhà máy lại thải nước xuống sông Hồng một lần. Vào những ngày đó, nước sông chuyển màu vàng đục, nhớt, cá sông bị chết nhiều.
Các nhà máy chế biến giấy đế, bột giấy trên địa bàn của các huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình cũng đang thải ra sông Hồng trong tình trạng tương tự.
Nếu như, tình trạng xả chất thải ô nhiễm trực tiếp ra sông Hồng vẫn tiếp tục kéo dài, con sông Hồng ở Yên Bái chẳng bao lâu sẽ trở thành sông Thị Vải như báo chí đã phản ánh./.