ThienNhien.Net – U Minh Hạ có hệ sinh thái rừng tràm, đặc thù mỗi năm có một mùa khô hạn, dễ cháy. Công tác phòng, chống rừng tràm U Minh Hạ được xác định là trọng tâm của các ngành chức năng tỉnh vào những tháng mùa khô. Để rừng tràm mãi xanh, bên cạnh những phương án tác chiến chống lửa khả thi, những thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng thì không thể không nói đến công sức những người canh lửa rừng tràm.
Những cán bộ làm công tác canh lửa, giữ rừng phải “hoạt động hết công suất”, nhất là những tháng cao điểm mà khả năng cháy là rất cao. Lo lắng, mất ngủ, vất vả, cực nhọc là những trạng thái miêu tả những cán bộ, chiến sĩ giữ rừng. Họ thay phiên nhau trực canh 24/24 giờ trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bên cạnh việc được tập huấn thành thạo mọi phương thức và cách dùng thiết bị chữa cháy, họ còn phải biết cách tuyên truyền, giáo dục cho dân hiểu. Họ là những người bình tĩnh, kiên nhẫn trên mọi mặt trận, kể cả phải biết mềm dẻo với người dân.
Đây đang là những tháng cao điểm của mùa khô năm 2009. Những ngày tháng 4 nắng như thiêu đốt, những chiến sĩ vẫn ngày đêm tích cực tuần tra canh giữ màu xanh của rừng. Diện tích rừng khô hạn, nguy cơ cháy cao càng tăng lên dưới cái nắng nóng của mùa khô, thì người chiến sĩ giữ rừng càng phải tăng cường độ làm việc, vất vả hơn và trách nhiệm hơn.
Vào tháng cao điểm, các con kênh trong rừng cạn nước rất nhanh, hệ thống kênh mương khu vực rừng Vồ Dơi cạn nước, công việc tuần tra của họ càng khó khăn hơn. Họ rất nhạy bén và linh động trong công tác. Cứ nhìn những cánh tay thoăn thoắt vận chuyển máy bơm và trang thiết bị chuyên dụng thực hiện chống cháy với những thao tác được tập huấn kỹ càng mới thấy ngoài nhiêm vụ ra họ còn có một nhiệt huyết, yêu nghề và cả yêu màu xanh của rừng nữa.
Cuộc sống đời thường của họ cũng vất vả không kém khi làm nhiệm vụ. Những ngày này, các chiến sĩ ngoài canh giữ rừng còn phải tự nấu ăn, làm công việc nội trợ. Bởi đa phần họ đều xa gia đình, có khi đến 2-3 tháng mới được về thăm nhà một lần. Tâm sự với các cán bộ, chiến sĩ nơi đây mới biết mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ tạm gác cuộc sống riêng để làm nhiệm vụ.
Thú giải trí song hành cùng các anh khi nghỉ ngơi là những tờ báo và những chiếc radio cũ kỹ. Có khi vào mùa mưa, công việc không căng thẳng như mùa khô, đôi lúc họ cũng cùng nhau “lai rai” cho bớt nỗi nhớ nhà. Đối với họ, những căn chòi lá giữa rừng không chỉ là nơi làm nhiệm vụ mà còn là chỗ dừng chân, nghỉ lại khi mệt mỏi. Cực khổ liên tục, thù lao khiêm tốn nhưng họ vẫn vui với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện có 28 chốt canh lửa, mỗi chốt từ 4-5 người, thay phiên túc trực 24/24. Anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết: công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng yếu hàng năm đối với cán bộ, chiến sĩ tại đây. Mùa khô năm nay được dự báo là kéo dài hơn so với mọi năm, thời tiết lại có những diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng cao, đôi lúc gió rất mạnh, khiến cho tình hình càng báo động hơn.
Với phương châm “4 tại chỗ” đã triển khai trong kế hoạch phòng, chống cháy rừng, nếu ở đâu đó trong khu vực Vườn quốc gia xảy ra cháy thì không quá 10 phút, lực lượng và phương tiện có mặt ngay để dập lửa. Tuy nhiên, do có chuẩn bị phương án ngay từ đầu, cùng với tư thế sẵn sáng chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ nơi đây với một quyết tâm chung: không để cho rừng bị cháy. Đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính giữ rừng.