ThienNhien.Net – Cây ổi không chỉ che mát, tạo thêm nét đa dạng cho vườn cây ăn quả của gia đình mà còn là một nguồn dược liệu phong phú. Tất cả các bộ phận của cây như quả, búp non, lá non, búp hoa, vỏ rễ và vỏ thân… đều có tác dụng chữa bệnh.
Cây ổi còn được gọi là phan thạch lựu, thu quả, kê thỉ quả, phan nhẫm, bạt tử, lãm bạt… Tên khoa học Psidium guyjava L., thuộc họ Sim – Myrtaceae. Ổi là loại cây nhỡ, cao từ 3 đến 6 mét, cành nhỏ có cạnh vuông, lá mọc đối, hình bầu dục, có cuống ngắn, phiến lá có lông mịn ở mặt dưới, hoa màu trắng, mọc ra từ kẽ lá. Quả mọng, phần vỏ quả dày ở ngoài. Ổi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, lan sang châu Á, châu Phi. Hiện nay, ở nước ta có nhiều loại ổi mọc ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến đồi núi.
Thành phần dinh dưỡng của ổi bao gồm các vitamin A, C, acid béo omega 3, omega 6 và nhiều chất xơ. Ổi là một trong những loại rau quả có tỷ lệ vitamin C rất cao, mỗi 100g có thể có đến 486mg vitamin C. Vitamin C tập trung cao nhất ở phần vỏ ngoài, càng gần lớp vỏ ngoài, lượng sinh tố càng cao. Do đó, khi ăn ổi, nên rửa sạch và ăn cả vỏ. Quả ổi là một nguồn thực phẩm ít calori nhưng giàu chất dinh dưỡng và có nhiều chất chống oxy hoá thuộc 2 nhóm carotenoids và polyphenols. Vị chua và chát trong nhiều loại rau quả, trong đó có lá ổi, quả ổi là do độ đậm đặc của những loại tanin có tính chống oxy hoá gây ra. Màu càng sậm như vàng, tía, đỏ càng có nhiều chất chống oxy hoá, vị càng chát, càng đắng, càng chua độ tập trung của những chất này cũng càng nhiều. Ngoài vitamin A, C, quả ổi còn có quercetin, một chất có tính chống oxy hoá cực mạnh có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng trong nhiều chứng viêm nhiễm mãn tính như suyển, dị ứng, tim mạch, thấp khớp, lỡ loét, ung thư.
Vị thuốc điều chế từ cây ổi có thể chữa được nhiều bệnh, như: Chữa vết thương do chấn thương hoặc trùng, thú cắn (búp ổi non nhai nát, đấp vào vết thương); Chữa vết loét lâu lành ở chân, tay (búp ổi, lá ổi non khoảng 100g, sắc đặc, ngâm tay hoặc chân bị loét vào nước sắc lúc thuốc còn ấm, mỗi ngày ngâm 2 – 3 lần); Chữa đau răng hoặc vết lở ở miệng (Nhai hoặc giã nát búp ổi non xát nhẹ vào nướu hoặc vào chỗ lở…); Chữa ho, sốt, viêm họng (Lá ổi non 20g đến 40g phơi khô, sắc uống); Chữa tiêu chảy cấp (Búp ổi 20g, Vỏ măng cụt 20g, Gừng nướng 10g, Gạo rang 20g, sắc uống); Chữa băng huyết (Quả ổi sao khô, đốt tồn tính, tán bột. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần khoảng 8g)
Tuy nhiên, cần lưu ý không dùng ổi cho những người đang bị táo bón. Ruột ổi có thể làm nhuận trường nhưng chất chát trong lá ổi và vỏ ổi có thể gây táo bón.