ThienNhien.Net – Hợp tác xã (HTX) là một trong những hoạt động kinh tế tập thể hình thành theo nguyên tắc tự nguyện với mục đích giúp nhau trong sản xuất, hỗ trợ vốn đầu tư, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên. HTX Hoa màu ở ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, chuyên sản xuất rau an toàn, được thành lập năm 2007 cũng không ngoài mục đích đó.
Qua một con sông mới đến được nhà ông Võ Văn Xuân, Phó Chủ nhiệm HTX Hoa màu ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Ông là người khởi xướng thành lập HTX trồng rau, vì thấy mô hình này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, có thể cải thiện được đời sống khó khăn của người dân nơi đây.
Qua nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau, tìm hiểu qua sách, báo và được dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, nên ông đã nắm vững cách chọn giống và kỹ thuật trồng rau cho năng suất cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông nói: “Đối với vùng đất này, nếu muốn trồng cà chua thì phải chọn giống lai F1 250, dưa leo chọn giống Mummy 351, khổ qua chọn giống lai F1 242 để có thể đạt năng suất 5 – 6 tấn/1.000m2”. Được biết, vụ đầu năm này, gia đình ông trồng củ cải trắng và cà chua. Hiện đang thu hoạch những giồng củ cải cuối cùng, còn cà chua thì đang cho thu hoạch. Vụ này, khi trừ hết chi phí, gia đình ông lời khoảng 15 triệu đồng. Dự kiến vụ tới, ông sẽ trồng khổ qua trên mảnh đất 2.200m2, mỗi năm trồng 3 vụ, gia đình ông thu lợi nhuận vài chục triệu đồng.
Mô hình trồng rau an toàn ở HTX Hoa màu ấp 1, xã Trí Phải vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa cung cấp rau an toàn cho người tiêu dùng, nhưng hiện tại mô hình này chưa được nông dân áp dụng rộng rãi. Theo những người trồng màu nơi đây thì nguyên nhân chính là do thiếu vốn và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Nói về vấn đề này, ông Xuân bâng khuâng: hiện nay, mỗi thành viên tham gia HTX góp vốn điều lệ 02 triệu đồng, HTX hiện chỉ có 10 thành viên nên số tiền có được chỉ đủ xoay vòng giúp đỡ những thành viên trong HTX khi gặp khó khăn trong sản xuất, lấy đâu ra tiền để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm, nên đành phải phó thác cho những thương lái đến thu mua. Nhiều khi, biết giá rau cải ngoài chợ bán với giá trên dưới 10.000 đồng/kg, nhưng thương lái đến cân chỉ có 2.500 đồng/kg cũng phải bấm bụng mà bán.
Thật sự mô hình trồng rau an toàn không cần vốn lớn, giá thành sản xuất không chênh lệch nhiều so với phương pháp trồng rau truyền thống, tuỳ điều kiện của mỗi hộ gia đình mà bố trí diện tích sản xuất thích hợp. Điểm khác biệt cơ bản giữa trồng rau an toàn và trồng rau truyền thống là trồng rau an toàn sẽ kiểm soát được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch. Vì vậy, cần vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, trồng rau phải theo phương pháp an toàn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.