ThienNhien.Net – Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế – Chương trình Việt Nam (FFI) phối hợp với Chi cục kiểm lâm Lào Cai sau 2 năm điều tra tại vùng núi huyện Văn Bàn, khu vực ưu tiên bảo tồn thuộc vùng núi Hoàng Liên đã phát hiện nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Trong số đó, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam cây Bách tán Đài Loan hay còn gọi là Thông chua.
Theo báo cáo kỹ thuật số 1, các nhà khoa học đã thống kê được 42 loài thú, 233 loài chim, 28 loài bò sát, 40 loài lưỡng cư, trong đó có nhiều loài trước nguy cơ tuyệt chủng: vượn đen, khỉ mặt đỏ, cầy vằn, báo gấm, báo lửa, gấy ngựa, khỉ mốc, nhím đuôi ngắn…; thực vật có 2.500 loài, trong đó có 8 loài lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam, ít nhất có 6 loài là loài mới đối với khoa học.
Đặc biệt trong quá trình điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện 5 loài thuộc diện đe dọa toàn cầu, trong đó lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam cây Bách tán Đài Loan (Taiwania crytomerioides), tiếng địa phương gọi là Tra câu, dịch ra tiếng phổ thông là Thông chua. Đây là loài cây bản địa của rừng núi Văn Bàn còn khoảng 90-120 cây. Trên thế giới mới phát hiện loài cây này có mặt tại biên giới Myanma – Trung Quốc với số lượng rất ít.
Loài Bách tán Đài Loan thân gỗ cao trung bình 40m, cao nhất 75m, mọc tại một điểm duy nhất tại thôn Nậm Quả, xã Liêm Phú, trên độ cao 1.700-2.100m trong một khu rừng rộng khoảng 3km2. Cây Bách tán Đài Loan đại diện cho nguồn gốc tiến hóa của họ Hoàng Đàn, tàn dư của rừng liên lục địa và rừng tiền sử có loài lá kim ưu thế tồn tại trong hơn 70 triệu năm qua. Bởi đây là dấu tích của quá khứ tiền sử đặc trưng của một sinh vật to lớn, có nguy cư tuyệt chủng trên toàn cầu. Loài cây này không chỉ là loài cây chủ chốt trong hệ sinh thái rừng mà còn là loài cây to lớn nhất, cao nhất Việt Nam và có thể sống được 1.000 năm. Hiện còn 1 cây cổ thụ còn sống, đường kính gốc đo được 1,3m, một cây lớn đường kính 1,9m đã bị chặt hạ.
Cây Bách tán Đài Loan gỗ màu hồng, có tinh dầu như pơ mu chống chịu được mưa nắng và mối mọt, từ lâu được bà con địa phương dùng làm nhà, gỗ chẻ ra thành tấm để lợp mái nhà trăm năm không hỏng. Đây là loài cây bản địa còn sót lại rất ít tại rừng Văn Bàn. Ngành Lâm nghiệp Lào Cai cần có phương án bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm này.