ThienNhien.Net – Từ bao đời nay, người dân các xã sống ven bên bờ sông Gianh (Quảng Bình), vốn rất quen thuộc với nghề trồng lúa nước và có thêm một số nghề phụ như làm bánh tráng, bánh ướt, làm nón, đan lát, nấu rượu để kiếm sống. Trong mươi năm trở lại đây, khi diện tích rừng trồng ngày càng mở rộng, nhu cầu cây giống càng nhiều, thì ở huyện Quảng Trạch cũng bắt đầu xuất hiện một nghề mới, tạo nhiều công ăn việc làm và đưa lại hiệu quả kinh tế cao đối với người nông dân, đó là nghề ươm cây giống.
Nghề ươm cây giống bán cho thị trường xuất hiện ở Quảng Trạch khoảng trên 10 năm nay, nhưng có thể thấy được rằng, ở xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch) nghề ươm cây giống đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành nghề “xoá đói, giảm nghèo” giúp nhiều hộ gia đình đổi đời…
Vào những năm 1996 và 1997, tại Quảng Trạch, dự án trồng rừng Việt Đức cũng như dự án 135, dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc đang được triển khai ở giai đoạn trọng điểm, nên nhu cầu về cây giống là rất lớn, trong khi đó số lượng cây giống (tại địa bàn) cung cấp không đáng kể so với nhu cầu thị trường.
Nhận thấy đây là một hướng làm ăn mới, một số hộ gia đình xã Quảng Trường đã mạnh dạn đầu tư, phát triển trang trại ươm giống các loại cây như bạch đàn, phi lao, keo, trầm, …để cung cấp cho thị trường. Vì nhu cầu quá lớn, nên sản phẩm của các hộ gia đình làm ra đều không đủ cung cấp, lại bán được giá cao nên lợi nhuận mang lại khá lớn, cá biệt có hộ thu được gần 50 triệu đồng/năm như gia đình ông Trần Văn Thoả, Trần Ngọc Ái…
Nhận thấy đây là hướng làm ăn rất hiệu quả, nhu cầu thị trường lớn, nên hàng trăm hộ gia đình đã đầu tư, phát triển quy mô sản xuất. Từ 5 – 7 hộ ban đầu, đến nay cả xã Quảng Trường có gần 200 hộ ươm các loại cây giống, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm vạn cây giống, mang về thu nhập gần 2 tỷ đồng. Tiếng lành đồn xa, đến nay sản phẩm cây giống của người Quảng Trường không chỉ được bán cho người dân trong vùng, mà hầu như ở khắp tỉnh Quảng Bình, chỗ nào có nhu cầu, thì ở đó có ngay cây giống của người Quảng Trường. Từ năm 2006 đến nay, cây giống của người Quảng Trường đã được bán ra tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… và được người trồng rừng ưa chuộng.
Đi thăm quan các trang trại ươm cây giống của người Quảng Trường, chúng tôi đều cảm nhận được màu xanh của sự sống. Khi thăm những hộ dân làm nghề ươm cây giống trong các thôn Xuân Trường, Hạ Trường, Thu Trường, chúng tôi nhận thấy, cuộc sống gia đình nào cũng khá giả, sung túc. Trong niềm vui thắng lợi, ông Trần Ngọc Ái ở thôn Hạ Trường cho chúng tôi biết, trước đây đời sống vợ chồng ông khá vất vả vì chỉ biết trông vào mấy sào ruộng khoán. Từ khi có dự án trồng rừng của huyện, của nhà nước, nhờ ươm giống cây trồng, mà cuộc sống gia đình ông đã có nhiều thay đổi đáng kể, một năm ông ươm khoảng 10 vạn cây giống cung cấp cho thị trường là có được khoản thu nhập gần 20 triệu đồng.
Ông còn cho chúng tôi biết thêm, số hộ gia đình có kinh tế khả giả như ông ở Quảng Trường khá nhiều, tất cả họ đều đổi đời nhờ nghề ươm cây giống. Theo giới thiệu của ông Trần Ngọc Ái, chúng tôi đến tham quan vườn ươm của gia đình ông Phạm Minh Tuy, hội viên Hội Làm vườn tỉnh ở thôn Xuân Trường. Cũng như gia đình ông Ái, trước đây chỉ biết dựa vào mấy sào ruộng nước, một năm đầu tắt, mặt tối gia đình ông cũng chỉ đủ ăn, không có dư giả gì. Từ khi làm nghề ươm cây giống đến nay, năm nào gia đình ông cũng có thu nhập gần 50 triệu đồng.
Không chỉ tạo công ăn việc là, tăng thu nhập cho các hộ gia đình trong xã, nghề ươm cây giống ở Quảng Trường còn góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một lượng lao động khá đông đảo ở các vùng lân cận, như Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Tiến, Quảng Thạch sau mùa vụ nông nhàn. Em Phan Thị Hà, học sinh lớp 11 C3, Trường THPT Số I Quảng Trạch, quê ở Quảng Thạch vui vẻ khoe với chúng tôi, một buổi đi học, một buổi em đạp xe qua Quảng Trường phụ làm vườn ươm cho các hộ gia đình ở đây cũng kiếm được gần 20.000 đồng. Em còn cho biết, đối với người lớn làm trọn một ngày, thì có khi được trả công lên đến 50.000/ngày…
Tôi chia tay Quảng Trường trong một buổi mưa, nhưng trên những vườn ươm của các gia đình ở Quảng Trường, mọi người vẫn đang say sưa chăm bón, tỉa dặm, đóng gói cây giống để chuẩn bị xuất bán cho khách hàng. Chứng kiến sự đổi thay của Quảng Trường- sự đổi thay nhờ vào nghề ươm cây giống, chợt trong tôi đã trào dâng một niềm tin, giá như ở Quảng Bình, các xã nghèo như Cảnh Hoá, Ngư Hoá, Quảng Thạch, Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ …(những nơi có điều kiện thỗ nhưỡng như Quảng Trường) cũng dám nghĩ, dám làm như người Quảng Trường, thì cái đói, cái nghèo sẽ chỉ còn là chuyện trong dĩ vãng.