ThienNhien.Net – Cuộc chiến ở vùng Kashmir, Ấn Độ cùng các hoạt động khác của con người không chỉ khiến con người phải trả giá đắt mà đời sống của động vật hoang dã cũng đang bị đe dọa.
Người quản lý động vật hoang dã địa phương, Asghar Inayati cho biết: “Những xung đột về lợi ích giữa con người và động vật đã dẫn đến tình trạng nguy cấp đáng báo động trong việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ người dân trong khu vực. Thỉnh thoảng chúng tôi lại được báo về những trường hợp tử vong hoặc thương tật khi con người và thú nuôi bị thú hoang tấn công.”
A.K. Srivastava, trưởng ban quản lý động vật hoang dã khu vực, trong báo cáo gần nhất trình chính phủ có nói: “Những con thú thường bị giết, bị bắt giữ hoặc làm hại để trả thù và những xung đột này chính là mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn tại của rất nhiều loài.”
Mùa đông năm 2006, một đám đông quá khích đã thiêu sống một con gấu trong ngôi làng thuộc quận Tral ở Kashmir. Trong vài năm qua những vụ việc tương tự vẫn tiếp diễn, bất chấp việc có trường hợp đã bị xử tù 2-6 năm vì tội giết một con gấu đen châu Á, loài đã được Tổ chức Bảo tồn Động Vật Hoang Dã của Ấn Độ liệt vào danh sách động vật quý hiếm.
Diện tích rừng che phủ giảm mạnh, kết quả của việc chặt phá rừng hợp pháp và trái phép, cùng việc lấn chiếm rừng của người dân là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những cuộc đối đầu giữa con người và động vật hoang dã. Cuộc chiến ở Kashmir cũng gián tiếp làm gia tăng thêm mâu thuẫn giữa con người và động vật. Môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã bị ảnh hưởng là một trong những lý do khiến chúng lạc vào nơi cư trú của con người.
Abdul Rouf Zargar, một nhân quản lý động vật hoang dã cho biết: “Cũng có những nhân tố khác gây gia tăng xung đột giữa con người và động vật. Đó là sự thu hẹp môi trường sống hoang dã bởi sự gia tăng dân số của con người và vật nuôi, sự triển khai các hoạt động phát triển, sự thay đổi cách thức sử dụng đất đai, sự giảm sút về nguồn thức ăn, sự thay đổi thời tiết và quá trình đô thị hoá”.
Theo Zargar, động vật hoang dã bị đe doạ bởi xung đột với con người bao gồm loài gấu đen châu Á, báo, loài khỉ vàng và một loài vọoc của châu Á. Kashmir là nơi cư trú của rất nhiều loài vật đã được liệt vào Sách Đỏ như loài hươu đỏ Kashmir – Hangul và báo tuyết.
Hangul là hậu duệ duy nhất còn tồn tại của họ hươu đỏ trên thế giới, và sau khi số lượng của chúng giảm xuống chỉ còn khoảng 150 cá thể, ban quản lý động vật hoang dã đã triển khai một dự án gây giống trong lồng để bảo vệ chúng khỏi bị tuyệt chủng.
Những nỗ lực của ban quản lý động vật hoang dã để bảo vệ báo tuyết, loài đã được liệt kê trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), bao gồm việc giúp đỡ những người dân nuôi cừu và dê xây dựng hàng rào và nơi ở chắc chắn hơn cho vật nuôi.
Mặc dù báo tuyết rất hiếm khi tấn công con người, nhưng bản năng săn mồi đã dẫn chúng đến nơi trú ngụ của vật nuôi và đột nhập vào nhà dân. Thường thì ở những nơi này chúng bị bẫy và giết chết.
Những người có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã đã tư vấn cho cư dân để giảm thiểu khả năng xung đột với động vật hoang dã, đồng thời cũng cung cấp thêm một số chỉ dẫn để họ có thể theo. Về những nỗ lực trên, Inayati nói: “Chúng tôi không thể ngăn chặn hoàn toàn các xung đột giữ động vật hoang dã và con người, nhưng chúng tôi đang cố gắng làm những gì có thể để giảm thiểu chúng. Chúng tôi đã tiến hành một vài phương án như thiết lập các uỷ ban hợp tác, những kế hoạch quản lý toàn diện để đối phó với những xung đột, và thực hiện nghiên cứu về những xung đột này.
Gần đây, ban quản lý động vật hoang dã đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu về nơi ở, tập quán sống, sinh sản và đặc điểm hành vi của loài gấu đen châu Á. Intisar Suhail, người quản lý động vật hoang dã ở trung Kashmir cho biết: “Chúng tôi đã đặt vòng cổ truyền âm thanh radio cho những con gấu và theo dõi hành động của chúng. Chúng tôi đã bắt được một con gấu hung hãn vài tháng trước và đang kiểm soát nó tại công viên quốc gia Dachigam. Chúng tôi đã thả nó ra để tìm hiểu về cách ứng xử của loài này qua vòng cổ truyền âm thanh radio rồi sau đó bắt nó lại khi nó bắt đầu tấn công con người”.
Suhail cũng cho biết ban quản lý sẽ cho áp dụng “kĩ thuật ác cảm” cho loài gấu này. Đây là kĩ thuật buộc con vật tiếp nhận những kích thích khó chịu, khiến nó tránh xa khu dân cư và ở yên trong rừng.