ThienNhien.Net – Sáu tháng sau khi được Quốc hội thông qua, từ 01/07/2009, Luật Đa dạng sinh học sẽ bắt đầu có hiệu lực. Đây là bộ luật có tới hơn 150 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia soạn thảo.
Tại hội thảo triển khai ngày 19/03 tại Hà Nội, ban soạn thảo cho biết, không chỉ có số chuyên gia đông đảo tham gia, Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam còn tham khảo tới 46 bộ luật trên thế giới, tổ chức hàng loạt diễn đàn và đối thoại với các chuyên gia đến từ nhiều nước.
Với 8 chương, 78 điều, bộ luật được đánh giá là đầy đủ và thống nhất về đa dạng sinh học như các quy định về hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn – phát triển bền vững các loài sinh vật và tài nguyên di truyền.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Xuân Cường, bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế bền vững. “Cùng với sự phát triển của kinh tế và đời sống vật chất con người, đa dạng sinh học ngày càng nghèo đi. Bảo tồn sự đa dạng này là nhu cầu bức thiết không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới”, ông Cường nói.
Đại diện ban soạn thảo, ông Nguyễn Văn Tài – Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường – cho biết, sau khi có hiệu lực, Luật sẽ thống nhất quản lý đa dạng sinh học. Trước đó, phạm trù này được quy định rải rác trong hàng loạt văn bản như Luật bảo vệ rừng, Luật bảo vệ môi trường và Luật bảo vệ thủy sản.
Nhiều nội dung mới được quy định rõ trong luật này như vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, hay kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. “Đây là những nội dung được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chúng tôi rất hy vọng bộ luật sẽ thực thi tốt những mục tiêu của nó”, ông Tài cho biết.
Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Theo thống kê sơ bộ, hiện Việt Nam còn hơn 2 triệu ha
rừng tự nhiên, bao phủ hơn 160 khu rừng đặc dụng và 30 vườn quốc gia. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, bảo tồn diện tích này vẫn chưa thỏa đáng do chưa có một bộ luật quy định thống nhất.
Dự kiến, sau khi Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực, mỗi năm cần tới 600 tỷ để đầu tư cho công tác này.