ThienNhien.Net – Công nghệ sinh học được đưa vào nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất nông-lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk với thời gian chưa nhiều, nhưng đã thu được một số kết quả rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Gần 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư trên 4 tỉ đồng triển khai 28 đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học. Trong đó, các đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học tập trung vào việc nhân giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen.
Tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu về sản xuất giống, ngành nông nghiệp tỉnh đã áp dụng rộng rãi các giống mới như: lúa, ngô, bông đậu đỗ… Áp dụng công nghệ sản xuất hạt giống lai F1 đối với ngô, lúa đã giúp địa phương chủ động nguồn giống và giảm giá thành. Ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa một số giống cây dài ngày như: cà phê, điều, cao su giống mới chất lượng cao và thực hiện nhân giống ghép, đã mở rộng diện tích canh tác hàng chục ngàn hecta. Nhờ vậy, địa phương đã tăng nhanh các loại sản phẩm với sản lượng tăng, năng suất và chất lượng được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở TP Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pách, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Buk và Ea Kar đã tận dụng các phế phụ phẩm như: rơm, cám, mùn cưa, lõi ngô, vỏ cà phê… để sản xuất nấm mèo, nấm rơm, nấm mỡ dùng làm thực phẩm và sản xuất nấm linh chi dùng làm thuốc bồi bổ sức khỏe. Một số hộ nông dân phát triển nghề nuôi trồng nấm mỗi năm thu nhập từ 15 đến trên 25 triệu đồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã đưa những giống mới, giống lai như giống lợn lai F1, bò lai hướng thịt, gà siêu trứng, vịt siêu trứng; áp dụng việc phối giống bằng tinh đông viên nhằm tạo đàn gia súc có chất lượng.
Các cơ sở thực nghiệm trong tỉnh đã phân lập và nuôi các chủng vi sinh để sử dụng sản xuất đất sạch, phân hữu cơ chất lượng cao từ nguồn vỏ quả cà phê là loại vật liệu khá phổ biến ở Đắk Lắk. Các phế phẩm từ Oligosaccharides đã được sản xuất thành công và được áp dụng vào nông nghiệp với chức năng chất kích thích tăng trưởng thực vật, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cây trồng. Một số dòng nấm đối kháng như Trichoderma đang được thử nghiệm trong việc bảo vệ thực vật thay thế cho các loại hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Đối với lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã áp dụng thành công việc sản xuất cây Hông (Paulownia) bằng nuôi cấy mô trong ống nghiệm, đang mở ra triển vọng cung cấp số lượng lớn cây giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu trên quy mô rộng lớn. Hiện nay, các giống cây bạch đàn, keo lai đựơc nhân giống từ mô sinh vật, kết hợp với giâm hom đã được một số cơ sở sản xuất lâm nghiệp trồng thử nghiệm hàng chục hecta với kết quả thu được khả quan.