ThienNhien.Net – Theo tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 6 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm được xác định là do tốc độ phát triển đô thị hóa cao và khói thải xe máy.
Ra đường là “bịt mặt”
Có mặt tại nút giao thông Bảy Hiền, quận Tân Bình vào đầu giờ chiều, mười người đi xe máy thì có chín người che kín mặt mũi. Không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng phải mang khẩu trang. Anh Nguyễn Văn Châu, đang dừng xe bên đường tìm mua khẩu trang, chia sẻ: “Tôi không thích phải che kín mặt mũi khi ra đường nhưng đành phải đeo khẩu trang vì cảm thấy rất khó chịu khi hít phải không khí ngột ngạt như thế này”. Chị Phạm Thanh Hoa, nhà ở Thủ Đức, hàng ngày phải vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, khó chịu: “Gần 10 năm nay tôi phải liên tục đeo khẩu trang mỗi khi ra đường”.
Từ 6 giờ sáng đến khoảng 19 giờ trong ngày, tại hầu hết các ngã tư, các nút giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh như Hàng Xanh, vòng xoay Bến Thành, công trường Dân Chủ… mật độ xe máy lưu thông rất cao và đây cũng là những điểm nóng kẹt xe ở thành phố.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có gần 4 triệu xe máy. Con số trên cũng chỉ thống kê được đối với những xe máy đã đăng kí chính thức, trong khi đó thành phố còn có một số lượng lớn xe máy không đăng kí, xe mua trôi nổi trên thị trường, xe đến từ các địa phương khác.
Vào giờ cao điểm, nếu tính tổng lượng xe máy hiện có ở thành phố thì cùng một lúc thành phố phải gánh chịu hàng triệu xe máy thải khí độc ra môi trường. Đó là chưa kể khói thải từ ôtô, xe buýt.
Ngay trong khu vực nội thành, vào giữa trưa luôn xuất hiện một màng không khí loãng chập chờn trên các tuyến đường. Đó là khói thải từ các phương tiện giao thông hòa vào không khí được phản chiếu qua ánh nắng mặt trời.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết, khí thải xe máy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn. Lượng khí độc thải ra từ xe máy chiếm tới 60 – 70% trong thành phần không khí nhất là các độc chất như benzen, lưu huỳnh… rất có hại cho sức khỏe. Ông Trí khẳng định: “Chỉ cần làm tốt việc kiểm định tiêu chuẩn xe máy, chắc chắn sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường ở các thành phố”.
Nồng độ khí thải đáng sợ
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nồng độ NO2 trung bình ở thành phố cao từ 2 – 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Trong thời điểm kẹt xe, tiêu chuẩn này vượt từ 4 – 6 lần. Trong khi đó, nồng độ bụi luôn ở tỉ lệ 100% giá trị không đạt. Cụ thể, tỉ lệ bụi trung bình của thành phố từ 0,37 – 0,68 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 2,5 lần.
Ngã tư An Sương vẫn là điểm nóng của tình trạng ô nhiễm khói bụi, do nơi đây là nút giao thương hàng hóa quan trọng của thành phố lại nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở khu vực phía đông thành phố, trên xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức, nồng độ bụi trung bình trong không khí luôn vượt chuẩn cho phép từ 5 – 8 lần.
Ở trung tâm thành phố, hiện điểm nóng của ô nhiễm khói bụi là nút giao thông Nam Kì Khởi Nghĩa, từ ngã tư Nam Kì Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu đến cầu Nguyễn Văn Trỗi. Theo kết quả quan trắc được cập nhật trong ngày, nồng độ bụi ở đây luôn vượt tiêu chuẩn từ 3 – 6 lần. Hiện tại trên tuyến đường này có hàng trăm mét rào chắn, tình trạng kẹt xe gia tăng là nỗi ám ảnh cho người tham gia lưu thông và người dân sống hai bên đường.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, một hộ dân sống trên đường Nam Kì Khởi Nghĩa, bức xúc: “Hầu như chúng tôi phải đóng cửa 24/24, thói quen ra ngồi trước nhà ngắm xe cộ vào mỗi buổi chiều cũng không còn nữa”. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 9 trạm quan trắc được bố trí ở hầu hết các điểm nóng ô nhiễm. Kết quả quan trắc được cập nhật hàng ngày cho thấy trong khi nồng độ NO2 có xu hướng giảm thì nồng độ CO lại có xu hướng tăng.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên – Môi trường, lượng khí thải không đạt chuẩn cho phép ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 80% khối lượng không khí. Trong khi đó, theo báo cáo của ngành y tế, không khí ô nhiễm là tác nhân chính của bệnh viêm phổi cấp, viêm phế quản và tăng quá trình lão hóa trong cơ thể. Cũng theo báo cáo mới nhất từ Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh lao cao nhất trong cả nước./.