Giải pháp thị trường trong bảo tồn rừng mưa nhiệt đới

ThienNhien.Net – Tuy các khu bảo tồn đã được lập ở Amazon và các vùng nhiệt đới khác, rừng mưa trên khắp thế giới vẫn đang bị tàn phá vì một lý do đơn giản: Rừng có giá trị hơn khi khai thác. Nhưng vì phá rừng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng trái đất ấm lên, hiện nay một giải pháp mang tính thị trường cho vấn đề này đã được đề xuất. Đó là mô hình bảo tồn mới – REDD – Reducing emissions from deforestation and degradation (giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy giảm tài nguyên rừng) dựa trên cơ chế thị trường để cung cấp những “dịch vụ sinh thái”. Đây là mô hình được đặt hy vọng sẽ giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Thực trạng

Các nhà môi trường học, những người đang nỗ lực bảo tồn rừng mưa Amazon bao la, hiện đối mặt với một nghịch lý lớn: Chưa bao giờ họ đạt được nhiều thành công trong công tác bảo tồn cánh rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới như bây giờ, nhưng đồng thời cũng chưa bao giờ cánh rừng này lại bị tàn phá nhiều đến vậy. Mấu chốt vấn đề hiện nay là liệu các mô hình bảo tồn mới, kể cả REDD – mô hình dựa trên cơ chế thị trường đang ngày càng trở nên phổ biến có thể cứu vãn được những tổn thất ngày càng tăng của các cánh rừng nhiệt đới, không chỉ ở Amazon mà còn ở Indonesia, Borneo và vùng lòng chảo Congo thuộc châu Phi, nơi mà rừng nguyên sơ tiếp tục bị tàn phá với tốc độ chưa từng thấy, hay không?

Từ năm 2000, các nhà tài trợ nước ngoài hợp tác với chính phủ Brazil đã hỗ trợ hàng trăm triệu USD để khoanh 386 000 dặm vuông của rừng Amazon, một diện tích tương đương với tổng diện tích của cả Pháp và Tây Ban Nha, làm khu bảo tồn. Tuy nhiên trong thời kỳ này, các hoạt động khai thác gỗ, trồng trọt, chăn thả gia súc và phát triển kinh tế ở đây đã phá huỷ một diện tích rừng lớn bằng nửa diện tích của Na Uy.

Sức ép phát triển kinh tế đối với rừng Amazon sẽ ngày càng gia tăng khi giá đất tăng lên nhanh chóng, việc chăn thả gia súc và các trang trại trồng đậu nành theo quy mô công nghiệp được mở rộng và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới được triển khai. Ở Indonesia, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi rừng bị chặt phá để lấy gỗ và trồng cọ. Từ năm 2001, chỉ riêng ở Brazil và Indonesia, 116 000 dặm vuông rừng đã bị tàn phá.

Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì rừng nhiệt đới, một trong những hệ sinh thái lớn nhất trên trái đất, sẽ ngày càng thu hẹp. Hiện tượng này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với đa dạng sinh học trên trái đất mà còn với khí hậu toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nhiệt độ trái đất đang ấm lên một cách đáng báo động.

Giải pháp

Hi vọng những hậu quả xấu nhất sẽ không xảy đến với rừng mưa Amazon, Indonesia và những cánh rừng nhiệt đới khác khi đặt niềm tin vào quan điểm cho rằng thị trường sẽ trả tiền để đổi lấy “dịch vụ sinh thái” – lợi ích mà một cánh rừng mưa khỏe mạnh mang lại, như: duy trì đa dạng sinh học, tạo mưa, lưu trữ carbon và điều hòa khí hậu trái đất. Ý tưởng này nhanh chóng được thúc đẩy khi các nhóm lợi ích bao gồm các ngân hàng, các nhà tài chính toàn cầu, các chuyên gia phát triển, các nhà hoạch định chiến lược quốc gia và các nhà bảo vệ môi trường hào hứng đón nhận quan điểm cho rằng cách tốt nhất để bảo tồn rừng là trả tiền cho các quốc gia có rừng nhiệt đới và cư dân sống trong rừng để họ không chặt phá rừng nữa.

Ý tưởng này được đặt tên là REDD – “giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy giảm tài nguyên rừng”. Đây là ý tưởng mang nhiều ý nghĩa thực tiễn hơn là một lý thuyết trừu tượng, hiện nó đang được triển khai ở một số nơi trên thế giới:

Ở Sumatra, nơi nạn phá rừng đang hoành hành, công ty tài chính toàn cầu Merril Lynch, nay thuộc sở hữu của BOA (Bank of America), đang hợp tác với chính quyền địa phương và các nhóm bảo tồn quốc tế gây một quỹ đầu tư trị giá 432 triệu USD dành cho công tác bảo tồn các dải rừng mưa rộng lớn ở tỉnh Aceh, đồng thời khuyến khích phát triển bền vững. 

Ở Guyana, một công ty đầu tư của London đã mua quyền cung cấp “dịch vụ hệ sinh thái” ở một vùng rừng nhiệt đới rộng 1,432 dặm vuông. Công ty này hi vọng sẽ bán những quyền này trên thị trường nhằm gây quỹ hỗ trợ cho 7,000 cư dân trong vùng phát triển kinh tế trong khuôn khổ không ảnh hưởng đến rừng.

Ở Borneo, một công ty đầu tư của Úc đã thành lập quỹ toàn cầu để giảm thiểu nạn cháy rừng và bảo vệ các tán rừng mưa trong khu bảo tồn vì những cánh rừng mưa này thường bị khai thác bất hợp pháp.

Thách thức

Hiện tại, các nỗ lực trên dường như đang bị cô lập và ngừng trệ. Để có được một sự thay đổi rõ rệt, cộng đồng thế giới cần phải định giá carbon và yêu cầu các nước giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Tháng 12 năm 2008, diễn đàn khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Poznan, Ba Lan đã họp bàn về giảm phát thải khí nhà kính. Đây là những bước đi đầu tiên trong nỗ lực thay thế Nghị định thư Kyoto năm 1997 bằng một định chế mới về khí nhà kính.

Mục đích của những nỗ lực này là dựa vào hạn ngạch khí thải nhà kính và thị trường carbon toàn cầu, hàng tỉ USD sẽ được gây quỹ hàng năm để đầu tư vào REDD, hoặc các dự án “chống phá rừng”. Với giải pháp này các công ty theo đuổi lợi nhuận thương mại có thể đi đến chỗ tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng trên toàn thế giới, các quốc gia nghèo có thể tìm một giải pháp mới nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không tàn phá chúng.

Ông Andrew Mitchell, giám đốc của chương trình Rừng toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu và bảo tồn rừng nhiệt đới cho biết: “Rừng bị chặt phá vì chúng đem lại giá trị vật chất hơn khi được đốn xuống. Đây là một ví dụ điển hình về sự khập khiễng của thị trường, nhưng dịch vụ hệ sinh thái có thể thay đổi điều đó.”

Bất chấp những lời hứa hẹn, REDD vẫn gây nên nhiều tranh cãi và đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc đảm bảo quyền đối với đất đai và lợi ích kinh tế cho cư dân sống trong rừng; thiết lập thước đo chuẩn để đánh giá chính xác sự suy giảm tốc độ phá rừng; vấn đề “rò rỉ” khi mà các biện pháp bảo tồn trong khu vực này lại dẫn tới nạn phá rừng ở khu vực khác; cùng các mối lo ngại rằng các nước phát triển đầu tư vào các dự án REDD chỉ với mục đích tiếp tục phát thải một số lượng lớn hơn khí nhà kính. Tuy vậy, khi mà hạn chế của các biện pháp bảo tồn truyền thống đang bộc lộ rõ nét hơn qua tốc độ phá rừng ngày càng tăng, và nhận thức rằng tàn phá các khu rừng nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng phát thải khí nhà kính, người ta ngày càng ủng hộ giải pháp bảo tồn rừng dựa trên cơ chế kinh tế thị trường.

Trước kia, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phản đối REDD do lo ngại rằng chương trình này là một thủ thuật để miễn việc giảm lượng phát thải khí nhà kính cho các nước giàu. Tuy nhiên vào tháng 9/2008, trước nguy cơ nạn phá rừng hoành hành dữ dội, chủ tịch WWF – ông Carter Roberts cho biết tổ chức của ông hiện tài trợ cho các dự án REDD như một giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, khi mà gần 20% lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới bắt nguồn từ nạn phá rừng. Điều đáng chú ý là nếu coi Amazon là một quốc gia, thì tình trạng phá rừng có thể đẩy Amazon lên top 7 nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Ông Roberts phát biểu: “Chúng ta sẽ không thể thành công trừ khi thế giới có các chính sách công nhận giá trị của rừng”

Ý tưởng cho rằng các nước đang phát triển phải được đền bù cho việc giảm phát thải nhờ ngăn chặn nạn phá rừng và nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên rừng đã xuất hiện hơn một thập kỷ qua, nhưng ý tưởng này không thu hút được sự chú ý không chỉ do những lo ngại rằng các quốc gia giàu có thể mua phần cắt giảm khí thải của họ. Một số người đến nay vẫn lo ngại rằng các quyền lợi và lợi ích của người dân địa phương có thể bị bỏ qua khi mà chính phủ, các nhà kinh doanh carbon, và các nhà đầu cơ đạt được các quyền lợi của mình từ những dịch vụ hệ sinh thái do rừng nhiệt đới cung cấp mà không có sự đồng thuận của người dân địa phương. Ở những khu vực mà quyền lợi đối với đất đai chưa được phân định rõ ràng, những ý tưởng như thế này có thể buộc người dân địa phương rời khỏi nơi họ đã định cư qua nhiều thế hệ.

Tháng 12 năm 2008, Hội thảo Rừng trong Vấn đề Biến đổi khí hậu trong đó có đại diện của những người dân địa phương, các tổ chức thương mại, các chính phủ và các ban ngành liên quan đã đưa ra nhận định: “REDD chỉ có thể mang lại hiệu quả lâu dài khi phù hợp với từng điều kiện cụ thể và đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương”.

Những nỗ lực triển khai của REDD đang cân nhắc đến những lợi ích này. Nhiều chuyên gia về rừng nhiệt đới cho biết các chương trình chống nạn phá rừng có thể là một giải pháp tốt hơn trong tình hình hiện nay, khi mà trong một thời gian dài dân khai thác gỗ và dân khai hoang bị thế chỗ bởi người dân bản địa.

Những người ủng hộ dự án REDD cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức khác như các tổ chức nhân đạo, các nhóm cứu trợ, chính phủ các nước và Ngân hàng thế giới.

Tiềm năng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi một thị trường carbon quốc tế có thể đứng vững, các ngành kinh tế đơn thuần cũng có thể thúc đẩy và mở rộng REDD. Ở các khu vực cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng giàu tài nguyên rừng, REDD có thể mang lại lợi nhuận kinh tế hấp dẫn cho dân cư nông thôn. Một số nghiên cứu ở Indonesia và Brazil cho biết các địa phương có thể có thu nhập cao hơn nếu họ nhận được hỗ trợ của REDD để phát triển bền vững so với thu nhập từ hoạt động khai thác gỗ truyền thống hay chuyển đổi đất rừng thành trang trại. Thị trường carbon cỡ lớn duy nhất của thế giới ở Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ đang định giá carbon ở mức 20 USD/tấn.

Theo một nghiên cứu khác, nếu các nhà đầu tư tìm kiếm doanh thu từ buôn bán chứng chỉ carbon thì sẽ phải trả một khoản phí nhỏ để giúp bảo tồn rừng ở Indonesia, nó có thể làm giảm các lợi nhuận tài chính mà nước đó nhận được từ ngành lâm nghiệp – chỉ 0,34 USD/ tấn carbon được phát thải hiện thời. Hơn nữa, do REDD phù hợp với việc khai thác bền vững sản phẩm rừng và hoạt động du lịch sinh thái tác động thấp, nó có thể trở thành một phần quan trọng trong các chiến lược phát triển nông thôn.

Học viện Nghiên cứu Rừng ước tính việc áp dụng các chương trình REDD để hạn chế nạn phá rừng ở khu vực Amazon thuộc Brazil trong vòng một thập kỷ sẽ cần tới 100 – 600 triệu USD mỗi năm. Eliasch Rewiew, một báo cáo về REDD của chính phủ Anh, ước tính hệ thống hạn ngạch và thương mại carbon, kể cả carbon rừng, có thể mang lại 7 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này có thể hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn rừng.

Nhận thấy tiềm năng lớn của REDD, chính phủ các nước và các nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường carbon rừng. Tháng 12 năm ngoái, Merrill Lynch trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ đầu tư vào một dự án chống nạn phá rừng, hỗ trợ 9 triệu USD cho công tác bảo tồn rừng mưa ở Sumatra. Ngân hàng này hi vọng sở hữu chứng chỉ carbon rừng khi chúng có giá rẻ và sẽ bán chúng với giá cao hơn khi mà các thị trường carbon xuất hiện. Thoả thuận giữa Công ước Carbon của Úc, Merrill Lynch – Tổ chức bảo tồn những động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, Tổ chức Flora & Fauna International và chính quyền tỉnh Aceh (Indonesia) có thể sinh lời hàng trăm triệu nhờ hoạt động tài chính carbon trong hơn 30 năm tới. Hai trong số những điều khoản của hoạt động này là ngăn chặn hoạt động khai thác gỗ và phá rừng trồng cọ.

Thống đốc tỉnh Aceh, ông Irwandi Jusuf cho rằng sáng kiến này là một bước ngoặt trong quá trình tái thiết của tỉnh từ sau vụ tàn phá của sóng thần năm 2004 và 30 năm nội chiến trước đó. Để hỗ trợ dự án, ông Irwandi đã đình chỉ hoạt động khai thác gỗ, thuê hơn 1 000 cựu binh làm kiểm lâm, và đề ra các kế hoạch cho việc phát triển các hoạt động thương mại bền vững thân thiện với môi trường.

Tháng 3 năm 2008, một công ty cổ phần tư nhân đã thực hiện một việc chưa có tiền lệ là mua quyền sử dụng dịch vụ môi trường trong diện tích 1,432 dặm vuông rừng mưa thuộc khu bảo tồn ở Guyana. Công ty Canopy Capital có trụ sở tại London này tin tưởng rằng các hoạt động mua bán các quyền này trên thị trường quốc tế sẽ mang lại lợi nhuận. 80% lợi nhuận sẽ dành cho cộng đồng địa phương dưới hình thức tín dụng quy mô nhỏ để tiến hành các hoạt động kinh tế bền vững.

Ông Hylton Murray-Philipson, giám đốc của Capital Canopy cho biết: “Cách duy nhất mà chúng tôi thực hiện thành công dự án này là thông qua động lực về lợi nhuận. Đó là điều cần thiết để khai thác nguồn lực của thị trường. Nhưng dự án này không chỉ dừng lại ở việc tạo ra lợi nhuận, chúng tôi cũng đồng thời mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương. Chúng ta cần bắt đầu đánh giá bản chất thực của rừng như một thực thế nguyên vẹn hơn là phải chuyển đổi nó sang dạng khác.”

Ngân hàng Thế giới đang giúp đỡ khởi động các dự án ở hơn 24 quốc gia bằng Quỹ hợp tác carbon rừng trị giá 300 triệu USD. Quỹ này được lập nên để giúp các nước thu được lợi ích kinh tế từ các dự án REDD.

Brazil ủng hộ một giải pháp khác, đã được phác thảo trong Diễn đàn về khí hậu diễn ra ở Poznan (Ba Lan) tháng 12 năm 2008. Brazil dự định thành lập quỹ tình nguyện, trong đó có vốn góp của các nước phát triển, các công ty và các tổ chức khác, để giảm phát thải do phá rừng. Với toàn quyền sử dụng quỹ và không có sự phân phối chứng chỉ carbon truyền thống cho các nhà đóng góp, giải pháp này giúp Brazil giữ vững chủ quyền trên lãnh thổ Amazon và mang lại nguồn tài chính lớn để bảo vệ rừng. Mục tiêu của quỹ này là thu tới 21 tỷ USD vào năm 2021, trong đó Na Uy đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ cho dự án này vào năm 2015, phụ thuộc vào những kết quả mà Brazil đạt được trong việc giảm nạn phá rừng. Điều này rất quan trọng vì Brazil chiếm tới 60% diện tích Amazon và diện tích rừng bị mất ở quốc gia này cũng chiếm tới gần một nửa diện tích rừng mất đi hàng năm trên thế giới.

Brazil tuy vẫn còn chưa rõ ràng trong việc sử dụng quỹ hỗ trợ, nhưng chương trình Bolsa Floresta ở bang Amazona có thể là một ví dụ của việc đền bù cho dân cư nông thôn để họ không phá rừng. Bắt đầu tiến hành vào năm ngoái, chương trình này trả cho các hộ gia đình sống gần khu bảo tồn Uatuma khoảng 25 USD mỗi tháng để họ không chặt phá và đốt rừng. Người dân đồng thời cũng được cung cấp dịch vụ y tế, nước sạch và có cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục nhiều hơn.

Mặc dù các chuyên gia không đồng tình về phương pháp, nhưng ít người cho rằng thế giới phải có một cách tiếp cận mới và nhanh chóng trong công tác bảo tồn rừng nhiệt đới. Ông Daniel Nepstad, nhà sinh thái học đầu ngành về rừng nhiệt đới, hiện đang dẫn dắt công tác bảo tồn ở Tổ chức Gordon và Betty Moore, cho rằng con người đang tiến gần đến một bước ngoặt, khi khu rừng mưa lớn nhất thế giới – Amazon không còn đủ khả năng cung cấp những “dịch vụ sinh thái” thiết yếu mà hiện giờ nó đang cung cấp.

Ông Nepstag cho biết: “Rừng mưa ở Amazon đang bị huỷ diệt do hạn hán theo mùa dẫn đến tình trạng đốt rừng để lấy đất canh tác, nhưng việc đốt rừng lại tiếp tục gây hạn hán. Cái vòng luẩn quẩn này phá huỷ một diện tích rừng rất lớn mỗi năm”. Ông lưu ý thêm rằng nếu tốc độ phá rừng tiếp tục diễn ra như hiện nay thì đến năm 2030 một nửa diện tích rừng ở Amazon sẽ bị đốt hoặc tàn phá. Ông cho rằng, ngoài việc giảm tối đa hoạt động chặt phá trong tương lai, thì 100 000 dặm vuông đất rừng bị khai thác ở Amazon cần được phục hồi. Các giải pháp nói trên có thể giúp đảm bảo rằng khoảng ¾ diện tích rừng Amazon nguyên sinh được giữ nguyên vẹn – yếu tố quan trọng trong việc giữ ổn định khí hậu của khu vực và toàn cầu.

Mục tiêu của Brazil là đến năm 2018 giảm 70% nạn phá rừng so với thời kỳ 1996 – 2005. Tuy mục tiêu này ít tham vọng nhưng nó chứng tỏ nhận thức của quốc gia này về tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng bền vững trên khắp vùng Amazon và về tiềm năng của carbon rừng như một nguồn tài nguyên. Trong tương lai xa, sự cải thiện phương thức quản lý, cơ chế thương mại mới theo các nguyên tắc thị trường trong lĩnh vực môi trường và sự tiếp tục mở rộng của các khu bảo tồn sẽ là nhân tố bảo vệ các cánh rừng như rừng mưa Amazon.