ThienNhien.Net – Mấy năm gần đây, ở xã Nhơn Thạnh (Thị xã Bến Tre) xuất hiện tên gọi “Ba xanh”. Mới nghe, tưởng đâu tên của một người nào đó, nhưng hỏi lại thì không phải, mà là cách gọi tắt của cây dừa xiêm xanh, bưởi da xanh và con tôm càng xanh từ chủ trương của xã nay đã thành hình hài. Về nơi đây, đến từng hộ gia đình mới thấy những việc làm của nông dân đã vận dụng hết sức sáng tạo, mỗi khi chủ trương đúng đã hợp lòng dân.
Từ một chủ trương đúng…
Khoảng gần 15 năm về trước, tuy Nhơn Thạnh thuộc đơn vị thị xã, nhưng xem ra chẳng khác mấy những xã vùng sâu của các huyện trong tỉnh. Cũng có đủ các yếu tố – điện, đường, trường, trạm – nhưng điện chỉ được vài mươi phần trăm hộ sử dụng, đường đi thì chỉ có hình hài, chủ yếu là đất, trời mưa lầy lội nên phương tiện đi lại bằng xuồng, ghe vẫn là phổ biến. Học sinh đến trường cũng bị hạn chế. Có trạm y tế, nhưng người dân có bệnh là qua thị xã khám, chứ chưa đặt niềm tin tuyệt đối ở trạm y tế xã.
Anh Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Thạnh, nói một cách khiêm tốn: “Chủ trương của xã về kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp, chúng tôi hiện nay là thừa hưởng các nhiệm kỳ trước, từ đó mà phát huy nó lên thôi”. Theo anh, trước đây cây dừa, mía, lúa, chủ yếu là vườn tạp, nói chung chưa khai thác hết diện tích. Chủ trương là xóa vườn tạp và lúa, toàn bộ diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái, mía và dừa. Từ năm 2004, diện tích dừa từ 230 ha tăng lên 245 ha, trong đó 15 ha dừa xiêm xanh các loại, bưởi da xanh từ 43 ha lên 135 ha, ngoài ra còn có các cây ăn trái khác như cam, chanh. Cây ca cao xen trong vườn dừa trên 53 ha, nay đã cho trái khoảng 20 ha. Đặc biệt là cây măng cụt, người dân thấy xã bên cạnh còn vài cây gần trăm năm, nay vẫn cho trái tốt, thế là người dân phát triển trên 2 ha, nay đã cho trái vụ đầu gần phân nửa.
Chăn nuôi chủ yếu là tôm càng xanh và cá da trơn. Thuận lợi là tại xã có 2 cơ sở ươm giống tôm càng xanh và cá tra. Xã có 8 trang trại, hoạt động đều có hiệu quả, trong đó có trang trại doanh thu hàng năm gần một tỷ đồng từ nuôi heo kết hợp trồng cây ăn trái. Từ năm 2005, Đảng bộ chủ trương phát triển du lịch sinh thái, chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng theo kiểu dân dã. Tháng rồi đưa vào khai thác tour thứ nhất được gần 200 khách, tháng này đưa tiếp tour thứ hai, nếu ổn định về tổ chức sẽ bình quân thấp nhất cũng được từ 45 đến 50 khách mỗi ngày.
Khi gắn kết được du lịch, có khách đến tham quan, người dân cảm nhận có hiệu quả, nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi càng mạnh hơn, tạo ra nhiều mô hình thiết thực, kể cả hoa kiểng cũng phát triển rất mạnh. Chính vì vậy, thu nhập của người dân địa phương không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2004, bình quân đầu người khoảng 7 – 7,5 triệu đồng, sau 3 năm đã là 15,530 triệu đồng, và năm 2008 là 17 triệu đồng.
…đến những hiệu quả trong thực tế
Theo chân chủ tịch Hội Nông dân xã, đến nhà anh Nguyễn Thanh Sơn, 50 tuổi ở ấp 4 với 2,5 ha đất trồng dừa và măng cụt, nhà cửa khang trang. Anh Sơn nói: “Trước đây, khi vợ chồng ra riêng chỉ hưởng được của cha mẹ 3.000m2 đất. Tội nghiệp vợ tôi, nay đến tuổi già phải mang theo mình hai ba thứ bệnh, cũng vì trước đây còn trẻ quần quật không kể ngày đêm trên miếng đất này. Trồng đủ thứ, hết cam lại chanh, chuối,… dưới mương nuôi cá chủ yếu để ăn, tích góp được bao nhiêu là mua thêm đất để canh tác mới được như ngày hôm nay”.
Đất của anh trồng dừa, trong đó gần phân nửa là dừa xiêm. Sở dĩ anh xen dừa xiêm là vì có chu kỳ thu hoạch ngắn hơn, giá có lúc cao hơn, phục vụ khách du lịch là chủ yếu. Mặt khác, xen là loại bỏ những cây dừa khô không hiệu quả, chứ không phải xen bất kỳ cây nào. Còn đối với cây măng cụt, anh trồng 450 cây, trong đó năm nay cho trái đầu tiên khoảng 150 cây, có vài công đất trồng chuyên, còn lại cũng vẫn xen trong vườn dừa. Vì có tính trước, nên vườn dừa của anh trồng khá thưa, khoảng 10 mét một cây. Anh còn lấy ngắn nuôi dài, dưới gốc dừa, cây măng cụt là chuối và nguyệt quế, mai vàng vài ngàn gốc từ 3 đến 7 năm tuổi (giá thị trường hiện nay thấp nhất cũng không dưới 500 ngàn đồng một gốc), dưới mương nuôi tôm đập tràn.
Theo tính toán, “hiện tại thu nhập hàng tháng chủ yếu từ dừa và chuối khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng, ba tháng thu một lần tôm cũng được 3 – 4 triệu đồng. Vài năm nữa dừa mới cho trái đều, thu nhập mới tăng khá hơn, khoảng từ 12 đến 15 triệu trong tháng, chứ hiện nay là chưa tới 10 triệu. Năm năm đến mười năm trở về sau, khi măng cụt cho trái đều, thu hoạch mỗi cây chỉ tính 500 ngàn đồng một năm thôi, lúc đó có thêm vài trăm triệu trong năm, thì mới an phận tuổi già. Chứ bây giờ là mới đủ ăn và lo cho hai con học đại học ở thành phố”. Thời buổi này mà nghe anh nói những tưởng như chơi, nhưng thật đúng là vậy.
Trong ấp, người có cùng hoàn cảnh với anh Sơn là anh Võ Duy Kha. Anh Kha còn trẻ, chỉ mới 39 tuổi. Cũng từ 3 công đất của ông bà để lại, bằng con đường giành dụm, đến nay anh sở hữu được 1,2 ha. Khác với anh Sơn, anh Kha trồng dừa mà xen bưởi da xanh, dưới mương nuôi tôm càng xanh và một hồ ba ba gần hai năm tuổi. Gần phân nửa dừa khô, còn lại là dừa xiêm xanh và 80 cây bưởi. Hàng tháng, dừa cho thu hoạch từ 3 đến 4 triệu đồng. Tôm thì không thu đồng loạt, mà thu luân phiên hàng tháng, hết mương nọ đến mương kia, chọn tôm lớn bán, tôm nhỏ thả xuống nuôi tiếp, mỗi tháng cũng được 4 đến 5 triệu. Bưởi thì bán hàng tuần, có lái đến mua, cộng chung hàng tháng cũng được vài ba triệu, tổng cộng các thứ, thu nhập gia đình cũng gần 10 triệu đồng.
Đọc lại lịch sử đấu tranh cách mạng xã Nhơn Thạnh cho thấy ba yếu tố – thiên thời, địa lợi, nhân hòa – không phải là định mệnh và cũng không phải là bất di, bất dịch. Suy cho cùng, chẳng qua là do con người tạo ra mà thôi. Bởi chính nơi đây, trong suốt chặng đường dài lịch sử, một nội dung đọng lại không it trong lòng những ai đã đến đây: Mặc dù luôn gặp cảnh không đồng sức, nhưng có được đồng lòng, nội bộ đoàn kết thì ngoài xã hội sẽ có tiếng nói chung, có vui cùng hưởng, có buồn cùng chịu, sẵn sàng gồng gánh, sớt chia công việc vì lợi ích chung, thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Thời nào cũng vậy. Phải chăng, mấy năm nay kinh tế xã Nhơn Thạnh phát triển, bộ mặt xã hội khởi sắc, đời sống không ngừng tăng, theo báo cáo của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thì số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 4,2%, tương đương với 130 hộ trên tổng số 1.745 hộ trong toàn xã,… là đã biết vận dụng những điều nêu trên!