Thời tiết, khí hậu và không khí chúng ta hít thở

ThienNhien.Net – Hàng năm Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cùng cộng đồng khí tượng học quốc tế cùng kỉ niệm ngày Khí tượng thế giới –ngày 23 tháng 3 – ngày công ước WMO chính thức có hiệu lực vào 1950. Kể từ đó, WMO đảm nhận trách nhiệm của Tổ chức khí tượng quốc tế (IMO, 1873) nhằm tiến hành hợp tác quốc tế trong ngành khí tượng học. Năm 1951, WMO trở thành cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc (UN) về khí tượng. Hiện nay, với số lượng thành viên lên tới 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, WMO đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang các vấn đề nguồn nước và môi trường. Dưới đây là toàn văn bức thông điệp từ ngài Michel Jarraud, Tổng thư kí WMO nhân dịp kỉ niệm ngày khí tượng thế giới 2009.

” Đã trở thành truyền thống, ngày khí tượng thế giới được tổ chức hàng năm đều xoay quanh một chủ đề nhất định. Phiên họp lần thứ 59 của Hội đồng cao cấp WMO vào tháng 5 năm 2007 đã quyết định chủ đề của năm 2009 sẽ là “ Thời tiết, khí hậu và không khí chúng ta hít thở”. Chủ đề này đặc biệt thích hợp với thời điểm hiện nay, khi cộng đồng thế giới đang nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện Mục tiêu chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, nhất là các vấn đề có liên quan đến y tế, lương thực, an ninh nguồn nước và giảm nghèo cũng như đẩy mạnh hiệu quả phòng chống và giảm nhẹ các thảm hoạ tự nhiên, trong đó 90% có liên quan trực tiếp đến thời tiết, khí hậu và các mối nguy hiểm đối với nguồn nước. Các nội dung này đã được đưa vào chương trình làm việc của WMO.

Trong nhiều thế kỉ qua, con người đã cố gắng để thích nghi với những ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết bằng việc thay đổi nơi ăn chốn ở, điều kiện sản xuất lương thực, cách sử dụng năng lượng, phong cách sống… nhằm thích nghi với các điều kiện môi trường và khí hậu. Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng năng lượng cùng sự phát triển của các ngành công nghiệp đã phát thải nhiều khí nhà kính và các chất thải độc hại khác ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Các bệnh hen suyễn, bệnh tim, ung thư phổi và rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác ngày càng gia tăng, trong đó nhiều bệnh xảy ra do chất lượng không khí ngày càng kém. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, an ninh lương thực, nguồn nước và sự phát triển bền vững do cây cối bị tàn phá, mùa màng bị thất bát và hệ sinh thái bị suy thoái.

Hippocrates – người được coi là “Ông tổ của ngành y” – xưa kia đã bác bỏ sự mê tín và ủng hộ các quan điểm khoa học, phân chia các căn bệnh và thiết lập nên bộ tiêu chuẩn đạo đức và chuyên môn vẫn còn giá trị đến ngày nay. Đặc biệt, công trình nghiên cứu vào thế kỉ thứ 5 trước công nguyên của ông “Không khí, nước và đất đai” đã xem xét ảnh hưởng của khí hậu, nguồn nước và khu vực tới sức khoẻ con người, so sánh các điều kiện địa lý ở châu Âu và châu Á.

Ở thời Hippocrates, người ta cho rằng chỉ có 4 yếu tố cơ bản: đất, khí, lửa và nước với những đặc tính tương ứng: lạnh, khô, nóng và ẩm ướt; nếu cơ thể con người có hàm lượng các chất này cân đối thì người đó sẽ có một cơ thể khoẻ mạnh, nhưng nếu sự cân bằng đó bị phá vỡ thì sức khoẻ của con người cũng suy giảm. Ngày nay, chúng ta biết rằng các chất khí và các hạt trong không khí có ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu, thời tiết và chất lượng không khí. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế cũng ngày càng nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa thời tiết, khí hậu, thành phần không khí và những ảnh hưởng của chúng lên sức khoẻ con người.

Các nhà khí tượng học, khí hậu học và khí quyển học đang nỗ lực giảm nhẹ tác động có hại của khí hậu, thời tiết và nguồn không khí của chúng ta bằng cách cung cấp cho các nhà khoa học và các chuyên gia y tế những dự đoán và phân tích về sự phân bổ, tập trung khí quyển cùng luồng chuyển động của các khí và hạt trong không khí.

Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước, WMO là tổ chức tiên phong thực hiện các nghiên cứu và phân tích thành phần không khí. Công việc thu thập thông tin về khí nhà kính, lỗ thủng tầng ozone cũng như những quan sát khí tượng học và thuỷ học đòi hỏi sự theo dõi thường xuyên, sử dụng mạng lưới toàn cầu với các trạm quan sát, khí cụ thăm dò, máy bay và vệ tinh. Những quan sát này sẽ giúp chúng ta hiểu về sự thay đổi các thành phần hoá học trong không khí và xây dựng cơ sở khoa học về ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết tới chất lượng không khí cũng như tác động qua lại của các thành phần không khí đến thời tiết và khí hậu.

Có thể dẫn chứng rất nhiều về hoạt động tích cực của WMO, tiêu biểu là các nghiên cứu khoa học mở đầu cho Năm Địa chất học và Địa cực Quốc tế, thông qua hoạt động phối hợp của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia (NHMS), các thành viên WMO cùng các tổ chức quốc tế khác. WMO đã chủ động tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm đánh giá sự biến đổi và ô nhiễm không khí như thủng tầng ozone, sương mù, bụi, SO2 và CO – chất thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, các khu đô thị và các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch.

WMO là cơ quan chính đóng góp vào việc hình thành 3 công ước quan trọng có liên quan tới bầu khí quyển: Công ước về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa (CLRTAP, 1979), Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone (1985) và Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (1994). Hiện nay WMO vẫn tiếp tục hỗ trợ về mặt tổ chức cho các chương trình hành động toàn cầu.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp, các sản phẩm gây ô nhiễm không khí cũng chính là nguyên nhân gây ra những thay đổi khí hậu hiện nay. Chúng không nằm trong nhóm nhân tố biến đổi tự nhiên như những tác động thiên văn và địa lý học. WMO cùng phối hợp với Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố bản Báo cáo đánh giá lần thứ tư và nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2007.

Báo cáo này đã kết luận rằng những thay đổi khí hậu đã biểu hiện rất rõ ràng do khí thải nhà kính ngày càng gia tăng. IPCC cũng cảnh báo tình trạng lũ lụt và hạn hán cùng các hình thái thời tiết khắc nghiệt khác sẽ diễn ra thường xuyên và có cường độ mạnh hơn do ảnh hưởng của tình trạng trái đất nóng lên. Đặc biệt nguy hiểm là các tia tử ngoại tác động có hại tới sức khỏe con người và làm tình hình ô nhiễm thêm trầm trọng.

Gió, mưa, tuyết, ánh sáng và nhiệt độ có thể có tác động đến mức độ ô nhiễm. Thời tiết nóng bức ở khu vực đô thị có thể khiến bụi được lưu giữ lại, trong khi mưa và tuyết có xu hướng cuốn trôi bụi xuống mặt đất hoặc ra biển. Các nhà khoa học phải sử dụng các mô hình khí tượng để nghiên cứu đánh giá và dự đoán về tình trạng ô nhiễm không khí. Những dự đoán về chất lượng không khí chính xác, hợp lý sẽ góp phần bảo vệ sự sống, tránh tình trạng đói nghèo và củng cố thêm các dự báo thời tiết truyền thống.

Dù sự phát triển của công tác dự báo về chất lượng không khí của các khu vực đã cải thiện rất nhiều trong 30 năm qua, song việc giúp người dân địa phương tiếp cận được với nguồn thông tin này kịp thời vẫn còn là một vấn đề nan giải. Cơ quan khí tượng thủy văn các nước đã đưa ra rất nhiều dự báo về chất lượng không khí nhưng thực tế đó chỉ là những chỉ dẫn và khuyến nghị đơn giản và mang tính địa phương nhằm nâng cao chất lượng không khí. Chính vì vậy, WMO đã tổ chức một chương trình đào tạo nhằm nâng cao và tối đa hóa tính hiệu quả của các sản phẩm lọc không khí và các ích lợi xã hội của nó.

Chưa bao giờ các máy lọc không khí lại trở nên cần thiết như hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính trung bình có 2 triệu người chết do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Ngay cả nơi có nồng độ ozone tương đối thấp, bụi và các nguồn gây ô nhiễm khác cũng là mối nguy hại cho hệ hô hấp và tim mạch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, dự báo về chất lượng không khí sẽ cung cấp cho chúng ta những cảnh báo sớm và giảm thiểu những nguy hiểm bắt nguồn từ ô nhiễm không khí.

Các thành phố càng mở rộng và phát triển, ô nhiễm đô thị lại càng ảnh hưởng đến con người nhiều hơn. Gần một nửa dân số toàn cầu sinh sống tại các thành phố lớn, phần lớn trong số họ đều chưa tiếp cận được với phương thức quản lý chất lượng không khí, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó huy động nguồn lực đồng thời phát triển những chính sách thích hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng là một thử thách đối với các quốc gia này. Chương trình Quan sát Khí quyển toàn cầu và Nghiên cứu khí hậu thế giới thuộc WMO đang chủ động mở rộng dịch vụ quản lý chất lượng không khí hiện nay tại các cơ quan khí tượng thủy văn của các nước thành viên. Một số dự án đã được khởi động tại một số quốc gia nhằm đẩy mạnh dự báo về chất lượng không khí và ngăn ngừa những ảnh hưởng có thể xảy ra.

Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác trong công tác dự báo, WMO cũng đẩy mạnh nghiên cứu về chất lượng không khí. Các hạt lơ lửng trong không khí – aerosol – quyết định tính hấp thụ hay bức xạ nhiệt của bề mặt trái đất, mây và không khí, cũng như sự hình thành của mây và mưa. Mặc dù mưa có thể rửa trôi hầu hết bụi ở tầng thấp chỉ trong vòng một ngày nhưng vẫn còn một lượng bụi nhất định đọng lại trong lớp không khí khô hơn và và lớp không khí ở tầng trên, gây nên những ảnh hưởng khác nhau. Chính vì thế, các nghiên cứu về aerosol đã trở thành một đề tài nghiên cứu chính và sẽ là một phần quan trọng của mô hình dự báo thời tiết trong tương lai.

Chất lượng không khí cũng bao gồm cả hàm lượng bụi và cát trong không khí, nhân tố có thể làm giảm tầm nhìn, gây thiệt hại cho mùa màng và khí hậu địa phương. Đặt ra các thách thức cụ thể về bão bụi và cát là một trong những mục tiêu chính của Hệ thống Cảnh báo, đánh giá và Tư vấn về bão cát, bão bụi thuộc WMO, nhằm mục đích phát triển các dự báo về bão cát, bão bụi, truyền tải thông tin đến trung tâm hoạt động toàn cầu, cũng như nghiên cứu và đánh giá các tác động của bão cát và bão bụi. Một vài thành viên WMO và các tổ chức đối tác đang cam kết sẽ nghiên cứu và dự đoán các hiện tượng nguy hiểm này, đặc biệt là tại Bắc Phi, châu Á và Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, các cơ quan khí tượng thuỷ văn của các quốc gia thành viên WMO và một vài tổ chức đối tác của WMO đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều phối và phản ứng trước các tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp khẩn cấp như rò rỉ hóa chất công nghiệp, núi lửa phun trào, bệnh dịch do côn trùng trong không khí hay các tai nạn liên quan tới nhà máy hạt nhân, các nhà khí tượng học có thể hỗ trợ công tác dự báo sự phát tán và ảnh hưởng của chúng. Về mặt này, Chương trình phản ứng nhanh của WMO đã tạo điều kiện cho mô hình tính toán chất ô nhiễm không khí của các trung tâm khí tượng khu vực thuộc WMO hoạt động trong sự hợp tác chặt chẽ với tổ chức y tế thế giới WHO, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, Hiệp hội hàng không dân dụng quốc tế, cùng các đối tác khác.

Thông qua các chương trình có liên quan đến chất lượng không khí, WMO cùng các cơ quan khí tượng thuỷ văn của các quốc gia đang nỗ lực nâng cao nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa thời tiết, khí hậu và chất lượng không khí bằng việc cung cấp những thông tin chính xác tin cậy tới công chúng và những nhà hoạch định chính sách. Đây là một nỗ lực chung đòi hỏi phải có sự hợp tác của cả cộng đồng và các ngành chức năng. Tầm quan trọng của sự hợp tác này sẽ được thể hiện cụ thể trong nội dung làm việc của Hội nghị khí hậu quốc tế lần thứ 3 (WCC–3) được tổ chức tại Geneva và cuối tháng 8 năm nay.

Các cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia thành viên WMO cũng nỗ lực hành động nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường. Tôi tin rằng chủ đề của ngày khí tượng thế giới năm 2009 sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện cam kết của các thành viên WMO cùng các đối tác ở mức cao nhất. Nhân dịp này, tôi cũng muốn gửi lời chúc mừng chân thành đến các quốc gia thành viên.”