ThienNhien.Net – Chiều 18/03, tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan đã làm việc với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa. Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa do Bộ trưởng NN&PTNT làm Trưởng Ban.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Hiện nay, tổng diện tích nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL khoảng 6 nghìn ha tập trung tại 10 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre.
Năm 2008, các tỉnh này đạt sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Sản lượng cá tra thành phẩm xuất khẩu là 633 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD. Đồng thời đã cơ bản hình thành hệ thống trên 10 nhà máy chế biến các sản phẩm từ cá tra, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra, basa
Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng: Nghề nuôi cá tra ở nước ta đã thành ngành sản xuất quy mô lớn nhưng vẫn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, trại nuôi không cần đăng ký xin cấp phép, thiếu liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Giống và thức ăn còn có tình trạng thả nổi, quá cao và phụ thuộc nhiều vào công ty nước ngoài. Chưa có cơ chế để buộc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hợp tác và phối hợp với nhau về sản lượng, chất lượng, giá cả, hoạt động marketing. Một số doanh nghiệp cố tình cạnh tranh chiếm thị trường bằng cách hạ thấp chất lượng sản phẩm, khiến uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho cá tra Việt Nam.
Các đại biểu kiến nghị: Cần quy hoạch bài bản vùng nuôi cá tra, cá basa. Thí điểm và mở rộng quản lý xuất khẩu cá tra, basa theo cơ chế thị trường tập trung. Hướng dẫn người nuôi cá tra không xả trực tiếp nước thải ra sông, cần có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định điều kiện vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích người nuôi áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt.
Tăng cường công tác quản lý con giống, thức ăn và các chất xử lý cải tạo môi trường nuôi; nâng cao vai trò của hiệp hội để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ cá tra, basa, thông tin dự báo kịp thời về giá cả trong, ngoài nước, xúc tiến mở rộng thị trường thế giới, xây dựng hệ thống kho chứa đông, điều hành sản xuất chế biến và xuất khẩu theo hướng bảo đảm kinh doanh uy tín sản phẩm quốc gia, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dành một khoản thích đáng trong gói kích cầu của Chính phủ cho các doanh nghiệp chế biến vay để mua thức ăn cung ứng theo tiến độ cho nông dân nuôi cá tra, basa.v.v.
Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất tiêu thụ cá tra, basa
Sau khi khái quát thời cơ, thách thức, thuận lợi cũng như khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa, kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho rằng: Sản phẩm cá tra, basa là sản phẩm đặc thù, là thế mạnh, lợi thế của ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven bờ sông Tiền, sông Hậu. Những chính sách, chủ trương đúng của Chính phủ đã khuyến khích sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa phát triển vượt bậc trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ: Quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu; thể chế, cơ chế chưa tương xứng với sự phát triển nhanh, mạnh của sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa. Thiếu sự hợp tác, gắn kết thành hệ thống trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ cá tra, basa.
Với thế mạnh và hiệu quả của nghề nuôi cá tra, 10 năm qua, từ một loài cá bản địa, cá tra đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia, sản lượng nuôi tăng gấp 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước; chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước. Thị trường tiêu thụ cá tra đã được mở rộng và có uy tín ở 130 nước và vùng lãnh thổ. Một số nước, khu vực nhập khẩu lớn là Ucraina, Nga, EU, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ. Nhóm sản phẩm cá tra càng quan trọng, bởi chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ bé để nuôi (khoảng 6.000 ha mặt nước, bằng 1% diện tích nuôi tôm), có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục vạn công nhân, nông ngư dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở vùng nông thôn ĐBSCL. |
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ cá tra, basa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, nội dung đề án cần nêu rõ cần phát huy tối đa lợi thế của việc nuôi cá tra, basa, theo hướng sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, quản lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước, đem lại thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Sau đó, đề án cần xây dựng một loạt cơ chế chính sách, để quản lý, hợp tác tốt hơn, phát triển hiệu quả, bền vững hơn, “Phải xây dựng thương hiệu cá tra, basa Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo về sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội VASEP, Hội nghề cá, lãnh đạo các tỉnh có qui hoạch nuôi cá tra, basa, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Ban. Ban cần thường xuyên họp, chỉ đạo kịp thời thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ cá tra, basa. Thủ tướng cũng gợi ý thành lập hiệp hội các nhà sản xuất, tiêu thụ cá tra, basa. Thủ tướng cũng đồng ý thí điểm và mở rộng quản lý xuất khẩu cá tra, basa theo cơ chế thị trường tập trung.