ThienNhien.Net – Sông Tigris chảy từ khu vực núi phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ qua Irắc và kết thúc ở Vịnh Péc-xích. Hiện nay dòng sông đang trong tình trạng ô nhiễm và lưu lượng nước rất thấp. Cá ở đây ít dần, đồng nghĩa với việc chi phí năng lượng và các chi phí khác phục vụ đánh bắt cá tăng lên, gây rất nhiều khó khăn cho ngư dân trong vùng.
Majit, một ngư dân vùng sông Tigris bức xúc chia sẻ: “Càng ngày tình hình càng tồi tệ hơn. Mực nước sông chỉ cao 2m. Chúng tôi cần mực nước cao hơn để đưa thuyền ra khơi. Với mực nước này, chúng tôi rất khó đánh cá. Cá là sản vật quý giá do Chúa ban cho, nhưng giờ đây chúng tôi rất khó khăn để kiếm được.”
Càng ngày dòng sông càng phải đón nhận nhiều hơn rác thải sinh hoạt. Trước khi cuộc chiến tranh của Mỹ vào Irắc, ngư dân nơi đây đánh được rất nhiều cá, giờ đây họ phải chật vật kiếm sống.
Chính phủ cũng được báo động về tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Môi trường Irắc, bà Narmin Othman cho biết: “ Những gì còn lại của sông Tigris là sự ô nhiễm và tình trạng này đang còn tiếp tục tồi tệ hơn. Quá nhiều người dân Irắc đang phải chịu đựng điều này. Đây thực sự là một sự khủng hoảng, và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ có những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề rất cấp thiết này.”
Từ năm 2007, Ratib Mufid, một chuyên gia môi trường thuộc Đại học Baghdad đã lên tiếng cảnh báo: “Một giải pháp cho tình trạng ô nhiễm trên sông Tigris là rất cần thiết. Con sông đang bị phá hủy nhanh chóng, và vẫn chưa có dự án nào ngăn cản sự suy thoái môi trường này.”
Từ đó đến nay tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Khó khăn này tiếp nối khó khăn khác khiến việc phục hồi dòng sông đi vào bế tắc.
Seif Barakah, người phát ngôn của Bộ Môi trường Iraq từ năm 2007 cũng đã cho biết: “Lưu lượng dòng chảy giảm bắt đầu từ dãy núi Taurus của Thổ Nhĩ Kỳ vì có nhiều con đập được xây giữa chúng và vùng Kurdistan. Với mục đích xây dựng đập ban đầu nhằm ngăn lũ cho các cộng đồng dân cư phía bắc, nhưng kết quả có thể thấy rõ là lưu lượng nước đã giảm còn một nửa so với lúc trước”.
Sự khan hiếm cá tác động đến thị trường khiến giá cá tăng và người ngư dân khó tiêu thụ, đời sống ngày càng khó khăn hơn. Ngày nay đối với ngư dân, nghề cá không những khó khăn mà còn độc hại và nguy hiểm. Con sông đang bị ô nhiễm bởi rác thải của chiến tranh, dầu, rác thải công nghiệp và và các độc tố khác. Những đống rác lớn đầy rẫy. Việc đổ rác ở con sông từng bị phạt dưới thời nhà độc tài Saddam Hussein, còn bây giờ không có luật định nào để ngăn chặn người dân.