ThienNhien.net – Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 16 bệnh viện (13 bệnh viên tuyến huyện và 3 bệnh viện tuyến tỉnh) với tổng số hơn 3 nghìn giường bệnh, đều được áp dụng công nghệ sinh học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Trước đây, các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải, lượng nước thải của mỗi bệnh viện tuyến huyện trung bình từ 40 – 50m3/ngày đêm không được xử lý và đổ thẳng ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm nước thải của các bệnh viện đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần và luôn là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua.
Năm 2002, Sở KH&CN tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ xử lý môi trường và công nghệ sinh học để xây dựng mô hình xử lý nước thải của bệnh viện tuyến huyện, thành phố”. Qua 6 năm thực hiện, đến nay Hải Dương đã có 16 bệnh viện (13 bệnh viên tuyến huyện và 3 bệnh viện tuyến tỉnh) được áp dụng công nghệ sinh học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Từ thực tế nước thải ở các bệnh viện trong tỉnh, Ban chủ nhiệm dự án đã lựa chọn giải pháp công nghệ “Phân huỷ kỵ khí và phân huỷ sinh học đệm cố định” theo hệ thống bể lọc kỵ khí của DEWAT. Với công nghệ kỵ khí các chất bẩn trong nước thải được các vi khuẩn yếm khí hoạt động phân huỷ và được lọc qua lớp vật liệu lọc là xỉ nung gốm sứ tạo thành nước trong. Nước thải sau khi xử lý có nồng độ chỉ tiêu phân tích nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép.
Ông Hà Bạch Đằng – Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ bể lọc sinh học có ưu điểm là dễ xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng, không gây ô nhiễm thứ cấp đến môi trường xung quanh, rất phù hợp với quy mô bệnh viện tuyến huyện, thành phố. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cho mỗi hệ thống xử lý nước thải chỉ tốn từ 400 – 600 triệu đồng/1hệ thống; và chi phí cho việc vận hành từ 300 – 500.000đồng/1tháng.