ThienNhien.Net – Nhà địa chất học Yong Yang mới đây đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc về bản kế hoạch lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm thay đổi dòng chảy sông Dương Tử – con sông lớn nhất của nước này – để tưới nước cho miền Bắc khô hạn. Đây chỉ là một trong rất nhiều ý kiến phản biện của giới khoa học Trung Quốc về dự án đang gây nhiều tranh cãi này.
Trung Quốc: Đưa dòng nước ngượcTháng 1 năm 2007, Yong Yang, một nhà địa chất độc lập, đã thành lập một nhóm nghiên cứu nhỏ đi thực địa vùng phía tây tỉnh Tứ Xuyên,Trung Quốc. Nhóm của ông đã tìm đến vùng đất chưa ai đặt chân đến trên cao nguyên Tây Tạng, nơi khởi nguồn dòng sông Dương Tử. Mục đích của chuyến đi là điều tra điều kiện địa lý và quy luật tự nhiên của dòng chảy tại lưu vực sông Dương Tử, đồng thời đánh giá tính khả thi của “Dự án đổi dòng chảy từ phía Nam lên phía Bắc”, một dự án lớn gồm 3 phần của chính phủ, hứa hẹn tiêu tốn nguồn ngân sách khổng lồ.
Mục đích chính của dự án là giải quyết tình trạng khan hiếm nước ở phía bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, có khá nhiều dư luận cả trong và ngoài chính phủ lo lắng rằng dự án sẽ là một tổn thất lớn, có thể lãng phí hàng tỉ USD khi cưỡng chế tái định cư hàng nghìn dân, và gây ra một sự hủy hoại không thể cứu vãn được đối với hệ sinh thái độc đáo và rất dễ tổn thương vùng lưu vực sông Dương Tử.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự khan hiếm nước nghiêm trọng. Những chuyên gia phương Tây và Trung Quốc đều dự đoán rằng trong vòng 15 năm nữa, tình trạng này sẽ tạo ra tới 30 triệu người “tị nạn môi trường”.
Đây là một trong những vấn đề đặc biệt cấp bách ở miền Bắc Trung Quốc nơi mà, do điều kiện khí hậu và địa lý, nước luôn là một nguồn tài nguyên khan hiếm. Không ai có thể phản đối việc cần phải thực hiện những kế hoạch mạo hiểm để ngăn chặn một sự khủng hoảng. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tham vọng của Bắc Kinh khi bỏ ra 62 tỉ USD để xây dựng hệ thống kênh đào nhằm đảo ngược dòng chảy của sông Dương Tử từ phía Nam vào sông Hoàng Hà ở phía Bắc có thực sự khả thi?
Những nghiên cứu của Yong mở rộng ra nhiều vùng khác nhau ở Trung Quốc nhưng thường xuyên tập trung ở sông Dương Tử, đặc biệt là khu vực phía Tây, nơi mà có lẽ diễn ra nhiều tranh luận nhất. Dựa vào những nghiên cứu của mình, Yong tin rằng kế hoạch phác thảo của chính phủ cho phần phía Tây của dự án đã dựa trên những ước tính sai lệch về lượng nước ở thượng lưu sông Dương Tử. Nếu kế hoạch thay đổi dòng chảy thất bại, việc sai sót về kĩ thuật của công trình sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng dân cư ở hạ lưu, trong đó có Thượng Hải, nơi mà nông nghiệp, công nghiệp và thủy điện phụ thuộc rất lớn vào dòng sông này. Hơn thế nữa, việc giảm khối lượng dòng chảy có thể dẫn đến khả năng đóng cửa các nhà máy thủy điện, gây nên tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.
Trong chuyến đi khảo sát mùa đông vừa rồi, nhóm của Yong đã khảo sát rất kỹ các khúc cua ở phía Tây của con sông. Mùa hè năm trước họ đã thực hiện lộ trình tương tự nhằm so sánh sự khác nhau giữa mực nước sông ở từng mùa. Trong cả 2 chuyến đi, nhóm nghiên cứu đã thu thập được rất nhiều thông tin về lượng mưa, địa chất, băng tan và những xu hướng khác có thể ảnh hưởng đến lưu lượng nước của con sông.
Dựa vào bản phân tích từ những số liệu sẵn có qua chuyến nghiên cứu của mình và những báo cáo rất có giá trị từ các trạm quan sát nước trong vòng 30 năm qua, Yong tin rằng kế hoạch đổi dòng chảy từ phía Nam lên phía Bắc là không khả thi. Kế hoạch phác thảo này, theo ông, đã dựa trên những số liệu “hoàn toàn phi lý”.
Ông giải thích, dọc theo phía thượng nguồn sông Dương Tử, chính phủ đã dự tính chuyển khoảng từ 8 đến 9 tỉ mét khối nước đến phía Bắc mỗi năm. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông đã chứng minh rằng lưu lượng nước chảy qua đoạn sông này hàng năm chỉ vào khoảng 7 tỉ mét khối. Điều này có nghĩa là chính phủ đang dự tính chuyển lên phía Bắc một lượng nước lớn hơn so với thực tế.
Yong không phải là người duy nhất nghi ngờ về tính khả thi trong phấn kế hoạch cuối cùng của dự án trên. Năm 2006, hơn 50 nhà khoa học Tứ Xuyên đã xuất bản cuốn sách “Tập hợp luận cứ về Dự án đổi dòng chảy từ phía Nam lên phía Bắc”. Các bài báo và những công trình nghiên cứu khoa học trong cuốn sách đã làm dấy lên những lo ngại thực sự về độ cao xây dựng của công trình, về sự ổn định của địa chấn, nguy cơ ô nhiễm sông Dương Tử, sự thay đổi khí hậu và nguy cơ đóng cửa rất nhiều trạm thủy điện ở hạ lưu do giảm dòng chảy.
Tuy chưa thể kết luận số liệu nào là chính xác, nhưng điều khiến Yong bận tâm nhất là chưa có một hệ thống mở và độc lập để cân nhắc xem liệu dự án khổng lồ và cồng kềnh này có khả thi không. Hiện giờ, những cuộc bàn luận của Ủy ban Bảo tồn sông Hoàng Hà của chính phủ vẫn chỉ diễn ra trong nội bộ.
Với hệ thống hiện nay, Trung Quốc đối mặt với cả những thuận lợi và bất lợi trong việc tranh luận và phản biện về những thách thức lớn liên quan đến môi trường. Về điều này, tiến sĩ Zhao Jianping thuộc Bộ phận Hợp tác Năng lượng Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho biết: “Một mặt, dự án tham vọng này có thể sớm được thực hiện, và thực sự khả thi trên một quy mô lớn. Nhưng mặt khác, lại không có tổ chức nào đứng ra giám sát và điều phối dự án này. Chính vì thế khi có sai sót, trong một vài năm sẽ khó có thể nhận ra và sau đó sẽ rất khó để thay đổi lộ trình và giải quyết những hệ lụy nghiêm trọng.”
Hiện tại, Yong đang cố gắng liên lạc với những nhà môi trường khác mà ông hy vọng có thể giúp đỡ ông đề đạt tới các cấp chính quyền. Theo ông “Khoa học là một hình thức phản biện tốt” và vì thế chính phủ nên tiếp thu những phản biện nhiều chiều đối với những chính sách công.