ThienNhien.Net – Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều vitamin và những chất chống oxy hoá mạnh, không những được dùng làm thuốc, món ăn mà còn có công dụng làm đẹp.
Mơ còn có tên là ô mai, khổ hạnh nhân, tên khoa học Prunus arme-niaca L., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Từ xa xưa mơ được nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là ở phương Đông biết đến.
Thành phần dinh dưỡng
Thịt quả mơ có chứa một số axit như axit citric, axit tartric, 27% đường, tinh bột và nhiều chất chống oxy hoá cao trong mơ có tác dụng kháng viêm, bảo vệ màng tế bào, tăng cường hệ miễn dịch và chống lão hoá, phòng chống bệnh ung thư, tim mạch.
Trong Đông y, mơ được dùng dưới hình thức mơ muối hoặc mơ hun khói thường gọi là ô mai.
Mơ muối có vị chua, tính mát, vào 2 kinh phế và đại trường có tác dụng chỉ khát, sinh tân, thường dùng chữa ho, trừ đờm, kiết lỵ, trừ nôn ói. Mơ hun khói vị chua, tính ấm, có thể giải phiền nhiệt, liẽm khí nghịch, chữa ho hen, suyễn, thở gấp, sốt rét cơn, đái tháo đường.
Dầu hạt mơ có tác dụng hoạt huyết, nhuận tràng. Trong dầu mơ cũng chứa hàm lượng cao những chất béo chưa bão hoà, hữu ích cho hoạt động tim mạch và thần kinh.
Vị thuốc đặc biệt
Hợp chất Amygdalin được chiết xuất từ hạt hạnh nhân đắng, sau đó cũng được tìm thấy ở hàng ngàn loại hạt khác, nhiều nhất là hạt đào, hạt mơ. Amygdalin cũng có tên là Leatrile, Nitrilosit hay Vitamin B17 (B17). Leatrile là một hợp chất hoá học, khi vào cơ thể, dưới xúc tác của các enzym có sẵn trong hạt và những enzym khác trong ống tiêu hoá, nó sẽ phóng ra Benzaldehyt, Cyanhydríc axit (HCN) và 2 phân tử đường. HCN là một hợp chất chống phát triển khối u và giảm đau được dùng ở một số nơi để phòng chống ung thư.
Laetrile đã được dùng để chữa ung thư ở Nga, Mỹ từ năm 1920. Leatrile được sản xuất công nghiệp lần đầu tiên từ hạt mơ có 2 tên thương mại là Aprikern (hạt mơ) và Bee Seventeen.
Theo Tiến sĩ Manuel D.Navarro, Giáo sư sinh hoá ở trường Đại học Santo Tomas, Manila, Philippines, Laetrile là loại thuốc lí tưởng để điều trị ung thư. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học thuộc các nước khác nhau như Bỉ, Anh, Nhật, Ý, Canada cũng đã có nhiều nghiên cứu y khoa về tác dụng của B17. Giá trị của B17 được nhiều nơi trên thế giới chú ý đến từ những năm 1950.
Ở Mỹ, Tiến sĩ John A, Morron, trên cơ sở hợp tác nghiên cứu với những tổ chức ở Canada, đã viết một báo cáo về những bệnh nhân ung thư được điều trị với B17. Báo cáo được phổ biến trên tạp chí Experimental Medicine and Surgery (số 4, 1962) có ghi rõ “những kết quả gây ấn tượng đặc biệt về giảm đau”. Ông cũng chú ý tới những hiệu quả giảm mùi hôi thối, phát triển cảm giác thèm ăn và giảm viêm sưng nơi khối u.
Tuy nhiên, theo quan điểm về thực dưỡng phương Đông, Leatrile cũng là một hoá chất độc hại bởi HCN – hoạt chất chính trong B17 là một chất có độc tính. HCN tác dụng trên trung khu thần kinh, với liều nhỏ gây hưng phấn, liều lớn gây ức chế, có thể dẫn đến hôn mê. Nhưng cũng chưa có một thông tin nào cho thấy trong những cộng đồng có truyền thống sử dụng các thực phẩm từ quả mơ.
Trong hạt mơ không chỉ có B17, mà còn có B15 tức Pangamic axit, được tìm thấy năm 1951 và được xem là một chất dinh dưỡng hữu ích trong nhiều bệnh về tim, gan, phổi như viêm gan, xơ gan. Ngoài ra, hạt mơ còn có nhiều chất khoáng và chất chống oxy hoá khác để tạo nên một nhóm chất hỗ tương, chất này làm tăng hiệu lực của chất kia để nâng cao sức miễn dịch và chống thoái hoá tề bào.
Quả mơ còn dùng chữa các chứng bệnh ho lâu ngày, ỉa chảy lâu ngày, lị lâu ngày, ỉa đái ra máu, băng huyết, giun đũa quấy gây nôn mửa, người mệt háo khát.
Thực phẩm bổ dưỡng truyền thống
Quả mơ có nhiều chất chống oxy hoá mạnh như Vitamin C, Caroten, Lycopen, Quercetin. Khi ăn nguyên quả mơ, chất xơ và những vi chất khác trong quả sẽ giúp cho các chất – kể cả HCN – được chuyển hoá phù hợp và hữu ích nhất cho cơ thể mà không sợ độc hại, miễn là không ăn quá nhiều một lúc.
Quả mơ, hạt mơ, nước mơ, dầu mơ đã từng là những loại thực phẩm truyển thống của nhiều dân tộc hoặc nhiều bộ lạc khác nhau như người Abkhasian ở Liên Xô (cũ), Hunza ở Pakistan, bộ lạc Villcabiumba ở Ecuador và một số bộ lạc ở Nigeria.
Một tác giả khi mô tả lối sống trường thọ, mạnh khoẻ và năng động của những người Hunza đã cho biết dân ở đây đã tìm thấy một nguồn chất béo thực vật rất quý trong hạt mơ. Nhiều nghiên cứu sau này cho thấy, dầu thực vật có hàm lượng cao các axit béo chưa bão hoà hữu ích cho hệ tim mạch và hoạt động thần kinh.
Dầu hạt mơ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ở Hunza. Những người phụ nữ Hunza truyền cho nhau cách sử dụng những món ăn từ quả mơ, hạt mơ. Họ dùng mơ dưới mọi hình thức. Mơ được chế thành bột nhồi, mứt, bánh mì và nước mơ. Dầu mơ để chiên xào, trộn salát. Hạt mơ cũng được cắn vỡ để ăn phần hạt bên trong.
Ở nước ta, mơ thường được dùng dưới hình thức ô mai, nước mơ hoặc rượu mơ. Nước mơ khi được lên men sẽ được bổ sung nhiều loại phân hoá tố và vitamin thêm vào những vi chất bổ dưỡng có sẵn trong thịt mơ. Nước quả mơ tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi, đỡ mệt mỏi, ăn ngon miệng, ít bị rối loạn tiêu hóa.
Rượu mơ cũng có tác dụng tương tự, giúp ăn ngon, tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực. Rượu mơ xanh, tính hàn, vị ấm, chữa kém ăn, bụng có giun.
Làm đẹp hiệu quả
Trong mỹ phẩm, người ta dùng nước ép quả mơ tươi, phần thịt quả và dầu mơ được chắt lọc từ hạt quả mơ trong điều kiện công nghiệp bằng cách ép nén. Từ phần thịt quả mà nước ép mơ có thể làm mặt nạ mỹ phẩm. Mặt nạ mỹ phẩm từ nước mơ có tác dụng rất tốt, làm cho da trở nên tươi trẻ, làm giảm nếp nhăn, làm cho da mịn màng, tính đàn hồi cao, bảo vệ da không bị khô quá.
Dầu mơ được làm nguyên liệu chính để chế biến cao dán và kem bôi mặt cũng như mặt nạ trái cây. Nếu không có trái cây tươi ta có thể sử dụng mơ đóng hộp. Khi đó, cứ một cốc mơ xay nhỏ thành cháo ta cho thêm 2 thìa canh hoà tan trong ¼ cốc nước sôi hoặc 2 thìa canh glixerin. Hỗn hợp này cần được bảo quản trong bình thuỷ tinh, đậy kín nắp và đặt trong tủ lạnh.