ThienNhien.Net – Thượng Quân là xã miền núi của huyện Kinh Môn, xã có 8 thôn, gần 7.000 nhân khẩu với diện tích canh tác trên 340 ha. Trước đây thu nhập chủ yếu trông chờ vào cây lúa nên đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đất canh tác, Đảng bộ xã Thượng Quận đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ngoài việc canh tác lúa, hiện nay nông dân còn mở rộng diện tích trồng sắn dây.
Đến nay, diện tích trồng sắn dây ở Thượng Quận chiếm gần 40 ha, bình quân mỗi gia đình trông từ 2 đến 3 sào sắn dây; có những gia đình chuyên làm bột thì trồng tới 5 sào. Cây sắn dây có ưu điểm hơn so với các loại cây trồng khác là dễ trồng (trồng ở mọi nơi trên đất vườn nhà, đất bờ vùng, bờ thửa, đất hoang hoá, đất ngoài đê), kinh phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc, mà hiệu quả kinh tế lại cao. Cứ vào tháng 2, các nhà vườn trồng sắn dây lại bắt đầu tất bật với việc cắt dây, rỡ củ. Nhưng để cây sắn dây cho năng suất cao, người trồng sắn chọn loại đất pha cát hoặc đất phù sa để ải khoảng 1 tháng thì ấp ụ, đường kính của mỗi ụ từ 2 đến 3 khối đất và cách nhau khoảng 1m; mỗi ụ cho khoảng 15 kg phân lân, 2 kg đạm, 3 kg kali để làm nguồn dinh dưỡng cho củ sắn sau này.
Theo kinh nghiệm của những người nông dân trồng sắn lâu năm, sau khi thu hoạch củ sắn, nên ươm ngay dây sắn xuống đất và phải thường xuyên giữ ẩm để cho mầm sắn phát triển thành cây giống. Sau khi trồng phải làm giàn cho dây sắn leo. Do trồng thành vườn nên mỗi vườn chỉ cần vài chiếc cọc chính, rồi chăng dây thép làm điểm tự cho các dây sắn leo. Trong giai đoạn dây sắn phát triển, người nông dân phải thường xuyên cắt tỉa lá, vì dây sắn ưa ánh sáng mặt trời. Cây sắn trồng khoảng 1 năm thì cho thu hoạch. Năng suất đạt bình quân từ 6,5 đến 7 tạ/sào, cho thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng (giá bán tại nhà bình quân gần 6.000 đồng/kg). Tính ra, mỗi ha sắn dây ở Thượng Quận mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Bên cạnh việc trồng sắn dây, nhiều gia đình ở Thượng Quận còn làm bột sắn. Có nhiều nhà coi việc làm bột sắn là công việc chính, như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Bãi Mạc), ông Hoàng Văn Xe (thôn Quế Linh)… Các gia đình làm bột đều đầu tư máy xay, hệ thống giàn phơi khá hoàn chỉnh. Củ sắn sau khi thu hoạch, rửa sạch và cho vào máy nghiền, để nước vào dùng vải lọc bỏ bã ra, nước còn lại đựng vào thau cho bột lằng xuống, sau đó đổ nước đi. Muốn cho bột sắn trắng, mịn thì phải làm qua nhiều công đoạn lọc bột. Cứ khoảng 4kg củ thì được 1 kg bột, với giá thành từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình làm bột sắn dây đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm… Từ việc trồng sắn dây và làm bột, nhiều gia đình ở Thượng Quận đã thoát nghèo, có của ăn của để và mua sắm được các vật dụng cho gia đình.