ThienNhien.Net – Gần đây, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm, tăng cường kiểm soát môi trường hay đảm bảo yếu tố “xanh” của các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp… được các tỉnh, thành phố chú trọng nhằm tạo môi trường phát triển ổn định, bền vững.
Ở Quảng Ngãi, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các KCN, đặc biệt là tại KCN Quảng Phú. Ban quản lý cũng thường xuyên theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng với công ty dịch vụ môi trường, đảm bảo 80% chất thải rắn sinh hoạt tại các nhà máy, 70% chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại được quản lý thu gom và xử lý theo quy định…
Hiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Quảng Phú đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước của các doanh nghiệp thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh KCN.
Ngày 17/03, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp với 76 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vừa bị UBND tỉnh liệt vào danh sách “đen”.
Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra thời hạn từ 3 – 6 tháng đối với những doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, và hạn 1 năm đối với những doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, phải thực hiện việc khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Nếu quá thời hạn trên, tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng biện pháp cao nhất là đóng cửa nhà máy. Hiện nay tỉnh đang kiểm tra đồng loạt tất cả các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, nhằm phân loại trong việc bảo vệ môi trường.
Tại Cà Mau, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các dự án xây dựng bãi chôn lấp rác ở các huyện, lò đốt rác y tế bệnh viện tuyến huyện, kho chứa chất thải nguy hại, dự án thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý môi trường trên địa bàn, xây dựng mới các dự án điều tra, thống kê các nguồn thải, lượng phát thải và đánh giá sức chịu tải của môi trường, dự án đánh giá, dự báo và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường… Công tác quan trắc môi trường về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước mưa và không khí được tăng cường. Đồng thời, tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt trên các tuyến sông trên địa bàn được khảo sát, đánh giá để xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường,
Tỉnh thực hiện di dời Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt ra khỏi khu dân cư, tạm ngưng hoạt động Doanh nghiệp tư nhân Công Thịnh, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau, trang bị lò đốt rác y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau…
Với An Giang, trước mắt từ nay đến năm 2010, tỉnh buộc phải ngưng hoạt động 724 lò nung gạch và đến 2012 có 839 lò nung gạch phải thực hiện khắc phục ô nhiễm, đến năm 2013 sẽ đóng cửa tất cả các lò gạch thủ công. Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch cụm công nghiệp gạch ngói nung tại các huyện Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới.
An Giang hiện có 1.695 lò sản xuất gạch ngói nung của 546 cơ sở, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của nhân dân rất nghiêm trọng tập trung ở 7 huyện, thị xã, thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng phối hợp với công ty TNHH Tân Việt Mỹ đưa vào thí nghiệm ứng dụng hệ thống xử lý khói thải lò gạch cho các lò gạch bị ô nhiễm nặng và triển khai xây dựng lò nung liên tục kiểu đứng và giới thiệu thử nghiệm mô hình lò nung gạch cải tiến sử dụng trấu ở Châu Phú. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ từ nay đến năm 2010 cho 13 cơ sở chuyển đổi, ứng dụng các công nghệ mới này để tiết kiệm năng lượng.
Còn UBND tỉnh Nghệ An lại vừa quyết định xử phạt hành chính 14 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và yêu cầu các đơn vị này sớm khắc phục hậu quả.
Ngoài xử phạt hành chính, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, giám sát cho đến khi các Công ty hoàn thành xong các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường như lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, trồng cây xanh…