ThienNhien.Net – Sáng 19/03 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22/03) và Ngày Khí tượng thế giới (23/03) và hội thảo khoa học với sự tham dự của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đại diện khối Liên hiệp quốc tại Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế, Bộ, ngành, đoàn thể. Bảo vệ nguồn nước và bảo vệ bầu không khí là các vấn đề được cả đại biểu trong nước và quốc tế quan tâm.
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kêu gọi cộng đồng quốc tế, các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, xã hội công dân, các doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng cùng nhau phối hợp hành động để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Đặc biệt là trong các lĩnh vực sức khỏe, lương thực, nước sạch và xóa đói giảm nghèo, đồng thời tăng cường hiệu quả trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thực hiện tốt sứ mạng cao cả của chúng ta là bảo vệ tính mạng, môi trường sống và tài sản; sức khỏe; an toàn trên đất liền, trên biển và trên không; tăng trưởng kinh tế; bảo vệ nguồn tài nguyên và chất lượng môi trường; và các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là những hoạt động thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đẩy mạnh hợp tác các vấn đề nước xuyên biên giới
Với chủ đề “Chia sẻ nguồn nước, chia sẻ cơ hội”, Ngày Nước thế giới năm nay đặc biệt chú trọng tới vấn đề quản lý nguồn nước có liên quan ở nhiều quốc gia.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh, các quốc gia quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới là để tăng sức mạnh thống nhất chứ không phải tạo xung đột về lợi ích. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa ở nước ta bởi 60% lượng nước chảy vào nước ta là từ các sông suối có thượng nguồn ở các nước láng giềng. Lượng nước bình quân đầu người, nếu tính cả lượng nước từ các lãnh thổ nước ngoài chảy vào, Việt Nam trung bình đạt khoảng 9.840m3/người/năm. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lượng nước nội sinh trên trong lãnh thổ Việt Nam thì chỉ đạt 4.400m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 7.400m3/người/năm. ”Điều đó cho thấy việc đảm bảo an ninh về nước ở Việt Nam ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức”, Bộ trưởng nói.
Một thách thức khác trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới của ta hiện này là thiếu các thông tin về các công trình và tình hình sử dụng nước, xu hướng phát triển trên phần lưu vực thuộc nước ngoài; thiếu các số liệu địa hình, lòng dẫn các sông quốc tế. Trong khi đó, nguồn nước trên nhiều sông đang bị tác động mạnh mẽ và sẽ ngày càng sâu sắc hơn (cả về số lượng, chất lượng và diễn biến) do việc khai thác, sử dụng nước ở các nước thượng nguồn, nhất là do hoạt động của các hồ chứa, các hệ thống thủy lợi, thủy điện.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước cho Việt Nam và các nước có chung nguồn nước chính là đẩy mạnh hợp tác trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông quốc tế. Bộ TN&MT đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 120/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lưu vực sông, Chiến lược quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020, xúc tiến thành lập các ủy ban lưu vực sông quốc tế, tham gia tích cực và phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy hội sông Mê Kông.
Bộ TN&MT cũng đang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là với Trung Quốc, Lào và Campuchia và các tổ chức quốc tế trong quản lý tổng hợp lưu vực sông nhằm giải quyết các mâu thuẫn về khai thác, sử dụng nước các sông xuyên biên giới, bảo đảm an ninh về nước và phát triển kinh tế bền vững.
“Thời tiết, khí hậu và không khí chúng ta đang thở”
Đó là chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, đặc biệt phù hợp với thời điểm hiện tại khi các cộng đồng trên toàn thế giới đang đoàn kết chặt chẽ để thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn nạn của nhiều thành phố trên thế giới. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã là những đô thị được cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Quá trình biến đổi của khí quyển cũng như những tác động từ phát triển công nghiệp đang làm môi trường không khí có những thay đổi.
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết: Các nhà khí tượng học, thời tiêt học và nhà khí quyển học đang nỗ lực nghiên cứu đưa ra những dự đoán và phân tích về quá trình biến đổi khí quyển, góp phần đưa ra những giải pháp giảm nhẹ, thích ứng và cải thiện môi trường không khí của nhân loại.
Ở Việt Nam, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang được ráo riết triển khai với những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường sống nói chung và môi trường không khí nói riêng.
”Ngoài việc tham gia vào các hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozon, chương trình khói mù xuyên biên giới, chương trình lắng đọng axit Đông Á, Việt Nam còn tích cực triển khai lắp đặt các trạm đo và dự báo chất lượng không khí”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.
Đó là 10 trạm môi trường không khí tự động, trong đó có 1 trạm nền vùng khí quyển, 22 trạm quan trắc bụi và thành phần nước mưa, 5 phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ cho phân tích các thành phần hóa học không khí và nước…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc bộ tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn trong đó bao gồm cả dự báo môi trường không khí nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của phòng chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng.