ThienNhien.Net – Nước là một sản phẩm quý giá nhất trên thế giới, nó đem lại nguồn sống và sinh lực cho hàng tỷ con người, tạo nên những cánh đồng xanh bát ngát, những rừng cây, non nước hùng vĩ … song nước cũng là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến, xung đột căng go. Trải qua biết bao thế kỷ, con người mới nhận ra rằng, nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, nó có thể cạn kiệt và cạn kiệt nhanh hơn chúng ta tưởng.
Nước: Xưa và nay
Thật khó tưởng tượng được tại sao con người xưa kia có thể chọn vùng sa mạc khô cằn của Wadi Faynan (Jordan), nơi chỉ có đá và cát nóng, làm chỗ định cư. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học, nguồn nước nguyên thủy của vùng này có thể là một trong những lý do quan trọng.
Cách đây khoảng 11.500 năm, con người ở thời kỳ đồ đá sống trong một môi trường hoàn toàn khác biệt. Khí hậu mát mẻ và ẩm ướt hơn, cảnh vật được bao phủ bằng các thảm thực vật với sung dại, các cây họ đậu và các loại ngũ cốc.
Ban đầu con người chưa định cư ở một chỗ nhất định, họ cắm trại, dựng lều và di cư theo mùa. Tuy nhiên giáo sư Steven Mithhen – chuyên gia nghiên cứu về thời kì tiền sử thuộc trường Đại học Reading cùng cộng sự – nhà khảo cổ học Bill Finlayson tin rằng, loài người đã dần dần định cư. Qua những bằng chứng khảo cổ thu thập được qua xem xét nguồn thực phẩm từ các mùa khác nhau và quy mô của những đống rác thải, các nhà khảo cổ học cho biết, khoảng 10.000 năm trước con người đã gần như ngừng di cư.
Nếu giả thuyết của các nhà khảo cổ học đúng, thì Wadi Faynan có thể là một trong những nơi đầu tiên tìm thấy các dấu vết định cư lâu dài của con người, nơi con người học cách canh tác và bước sang một thời kỳ văn minh nhân loại mới. Tuy nhiên cộng đồng dân cư nhỏ nơi đây đã khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm khiến nguồn nước bị phá hủy, không còn đủ để đảm bảo cuộc sống nữa. Điều này đã diễn ra trong nhiều thiên niên kỉ trên toàn thế giới và hiện giờ đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.
Ban đầu, con người chặt cây để xây dựng chỗ ở và làm chất đốt, cho đến khi những cơn mưa quét sạch phần đất mặt thay vì thấm qua tầng ngậm nước và các con suối trở nên khô hạn. Một thời gian dài sau đó, vào thời kì đồ đồng, những người nông dân mới bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hướng dòng nước phục vụ canh tác để nuôi sống lượng dân số đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, điều kiện khí hậu mát mẻ với độ ẩm cao trước đây từng níu chân họ nay đã trở nên ngày càng khô hạn và nóng hơn.
Các nhà sử học tin rằng , có ít nhất 2 lần vùng Wadi Faynan bị bỏ hoang. Lần thứ nhất là do sự thay đổi sâu sắc về khí hậu và lần thứ hai là do ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày nay, những người dân sống tại các thung lũng đã đặt ống dẫn nước dưới lòng các con suối cạn để hút nguồn nước còn sót lại phục vụ cho tưới tiêu. Tuy nhiên công việc đó càng ngày càng trở nên khó khăn. Theo kinh nghiệm ở địa phương, những trận mưa lớn thường ít xảy ra hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, nông dân ở khu vực Wadi Faynan không phải là một ngoại lệ. Trong khi họ phải trả giá cho hàng nghìn năm khai thác tài nguyên, môi trường trước đây thì trên thế giới cũng có 1 tỷ người chưa có nước sạch để uống, và ít nhất có khoảng 2 tỷ người không có đủ nước để sinh hoạt, chưa kể tới nước cho tưới tiêu.
Thiếu nước được cho là nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng gay gắt trên thế giới: hàng triệu người chết mỗi năm do bệnh tật và suy dinh dưỡng, nạn đói kéo dài, trẻ em không có cơ hội được đến trường để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hầu hết ở những nước nghèo người dân đều phải đối mặt với các vấn đề trên, tuy nhiên ở các quốc gia giàu có cũng đang phải đối mặt với tình trạng này chẳng hạn như Australia đã phải trải qua nhiều năm khô hạn.
Ở bang Califolia, Mỹ một số nông dân đã phải ngừng canh tác vào cuối năm 2008 khi thống đốc Arnold Schwarzenegger công bố về đợt hạn hán đầu tiên trên phạm vi quốc gia trong vòng 17 năm qua. Cùng lúc đó, Barcelona (Tây Ban Nha) cũng bắt đầu phải chuyển các thùng chứa cung cấp nước từ thành phố đến dọc những miền ven biển. Thậm chí cả ở những vùng nổi tiếng với thời tiết ẩm ướt như Anh, nước cũng trở thành một vấn đề ở khu vực đông dân phía đông nam đất nước.
Các nhà khoa học cảnh báo, trong khi sự ấm lên toàn cầu đang làm biến đổi khí hậu, nếu dân số vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng như hiện nay, trừ khi có một động thái thiết thực và hiệu quả, hàng tỷ người nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, dẫn đến nạn đói, bệnh tật, di cư và cuối cùng sẽ là các cuộc xung đột vũ trang.
Nguồn nước cạn và hệ lụy
Với nỗ lực để đối phó với các thảm hoạ trên, các nhà chính trị, nhà kinh tế và các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp quản lý nguồn nước, từ việc trồng cây, xây dựng các loại giếng chứa nước đơn giản tới các dự án tiêu tốn hàng tỷ USD để tái tạo lại hành tinh của chúng ta với các loại đập và ống nước, sản xuất nước sạch từ nước thải hoặc nước biển.
Chính phủ các nước cũng đề xuất nhiều giải pháp cùng lúc: tăng giá nước để phản ánh giá trị thực của nước với con người và môi trường, đầu tư vào công nghệ để tăng hiệu quả và nguồn cung cấp nước, hợp tác nhiều hơn trong thương mại, và thiết lập mối quan hệ hoà bình với các quốc gia láng giềng để có thể duy trì nguồn lợi tức về nước và thực phẩm.
Khủng hoảng về nước là một biểu hiện của thảm hoạ môi trường do việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là thời kì mà Paul Crutzen – người nhận giải Nobel hoá học năm 1995 – gọi là thời kì của các vấn đề liên quan đến môi trường, bởi vì thiên nhiên về cơ bản đã bị thay đổi do các hoạt động của con người. Tất cả bắt đầu khi con người định cư, chặt phá cây và làm nông nghiệp.
Về lý thuyết, trái đất có rất nhiều nước, có thể đáp ứng cho khoảng 6,5 tỷ người. Hơn 97 % lượng nước trên trái đất là nước mặn, và hầu hết nước ngọt được giữ ở các vùng xung quanh Nam Cực và ở các đảo băng, song vẫn còn đến 10km3 lượng nước có thể dùng, tuần hoàn theo chu kì bốc hơi và mưa, thường xuất hiện dưới dạng nước ngầm, nước sông hồ, sông băng, khối tuyết, khu vực đất ngậm nước, tầng nước bị đóng băng vĩnh cửu và đất. Mỗi một km3 tương tương với 1000 tỷ lít hoặc 1 tỷ tấn nước – tương đương với lưu lượng hàng năm hiện nay của Sông Nin.
Vế nhu cầu nước của con người, theo Liên hiệp quốc (UN) mỗi người cần khoảng 5 lít nước mỗi ngày để có thể tồn tại trong môi trường khí hậu ôn hòa và tối thiểu 50 lít mỗi ngày để ăn uống và sinh hoạt. Ngành công nghiệp có nhu cầu về nước gấp đôi nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại có nhu cầu nhiều nhất – trên thực tế, 90% của tổng lượng nước con người sử dụng. Nước không mất khỏi trái đất nhưng lại được khai thác qúa nhiều phục vụ cho tưới tiêu. “Tất nhiên là có đủ nước phục vụ cho mọi người trên hành tinh này, nhưng thông thường thì mức tiêu thụ nước thường ở trong tình trạng quá mức, không đúng chỗ, không đúng thời điểm.” trích lời Marq de Villiers, tác giả cuốn sách “Chiến tranh về nguồn nước” xuất bản năm 2001.
Sự bùng nổ về dân số, sự phát triển kinh tế và nhu cầu về thịt, bơ và protein từ cá khiến nhu cầu về nước của con người đã tăng lên 6 lần trong 50 năm qua. Trong khi đó nguồn cung cấp đã bị giảm dần đi vì nhiều lý do: khoảng 845 000 hệ thống đập đang chặn hầu hết các con sông trên thế giới làm giảm lượng nước và lớp trầm tích của vùng châu thổ; lượng nước bốc hơi tăng; lượng nước bị rò rỉ cũng tăng lên đến một nửa; khoảng 1 tỷ người không có đủ các cơ sở vật chất cần thiết để khai thác nước, và lượng nước còn lại thì thường bị ô nhiễm bởi các chất hoá học và kim loại nặng từ nông trại và khu công nghiệp. Thêm vào đó, lượng mưa ngày càng trở nên ít ỏi ở một số khu vực.
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng cần thiết và quý giá của cuộc sống, tuy nhiên không có cá nhân nào chịu trách nhiệm về nó cả. Từ Wadi Esseir đến vùng khô cằn của Tây Mỹ, những người nông dân không phải trả tiền để được sử dụng nước hoặc chỉ phải trả một phần rất nhỏ, vì vậy mà họ không có ý thức bảo về nguồn nước và sẵn sàng lấy đi nguồn cung cấp dự trữ để cải thiện cơ sơ hạ tầng.
UN chỉ rõ rằng thiếu nước là tình trạng có ít hơn 1000 m3 nước sạch có thể phục hồi lại được cho một người mỗi năm để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, trồng trọt và phát triển công nghiệp. Theo cách tính toán này thì 1/2 dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Jordan là một trong những quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất thế giới, trung bình chỉ có khoảng 160 m3 nước có thể được phục hồi lại cho một người mỗi năm.
Thiếu nước sạch và hệ thống xử lý rác thải được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm tử vong do bệnh tật và suy dinh dưỡng; gần 1 tỷ người chịu nạn đói thường xuyên; 2 tỷ người sống trong tình trạng “mất an ninh lương thực”(theo định nghĩa của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc). Hơn nữa, tình trạng thiếu nước còn là mối đe doạ tới hoà bình thế giới. Các nhà khoa học đang hy vọng rằng biến đổi khí hậu có thể mang lại yếu tố tích cực cải thiện nguồn cung nước.
Theo ước tính của họ, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng thêm 1ºC sẽ khiến lượng mưa tăng lên 1%, vì không khí có nhiệt độ cao hơn sẽ hấp thụ nhiều hơi nước hơn. Tổng dung tích nước của trái đất không đổi, nhưng vòng tuần hoàn nước có thể diễn ra nhanh hơn, và sẽ tác động tới phần lớn ngành nông nghiệp của thế giới – ngành phụ thuộc nhiều vào lưu lượng và thời gian mưa.