ThienNhien.Net – Các nhà cổ sinh vật học làm việc tại Peru đã tìm thấy hóa thạch của một loài chim cổ sống cách đây 10 triệu năm, chúng xuất hiện đầu tiên khoảng 50 triệu năm về trước. Loài chim này có sải cánh dài khoảng 6m và thức ăn chủ yếu là cá biển Thái Bình Dương. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, sọ của lòai chim này giống như sọ của nhiều loài chim khác trên thế giới nhưng chúng có răng ở đầu mỏ và cánh rất dài. Họ phỏng đoán rằng, răng chúng có tác dụng giữ mồi và giúp chúng nhai trong suốt quá trình bay. Khoảng 2,5 triệu năm trước, loài chim này đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch hiếm có của loài chim này tại một vùng đất có khí hậu khô cằn thuộc vùng Ica của Peru. Vào thời điểm loài chim cổ này tuyệt chủng, bờ biển Peru rất nóng và có nhiều mưa, nhưng hàng triệu năm sau khí hậu lại trở nên mát mẻ và khô ráo. Đáng lạ là hóa thạch của loài chim này đã được tìm thấy cùng với hóa thạch của cá voi, cá mập và rùa ở đáy biển.