ThienNhien.Net – Được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng mưa nhiệt đới với các hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng nhưng trong quá trình mở cửa nền kinh tế, Lào đang đánh mất vĩnh viễn các nguồn tài nguyên quý giá của mình. Đây là lời cảnh báo xuất hiện trong nhiều nghiêu cứu của các tổ chức quốc tế trong thời gian qua. Một trong những nguồn tài nguyên đó là động vật hoang dã (ĐVHD). Thị trường chợ đen càng sôi động cũng là lúc chúng ngày càng vắng bóng ngoài tự nhiên.
Ánh hào quang xa xôi
Chỉ khoảng 25 năm trước, những cánh rừng của Lào vẫn còn hàng trăm cá thể hổ cư trú nhưng cho tới gần đây, đặc biệt chỉ trong vòng một thập kỷ qua, sự phát triển kinh tế, sự tàn phá rừng và sự bùng nổ hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã đã làm số lượng quần thể hổ của Lào chỉ còn chưa đầy 50 con.
Lý giải nguyên nhân về sự suy thoái nhanh chóng này, các chuyên gia cho rằng trong đó có phần đóng góp của tình trạng “phất” lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu các quốc gia láng giềng, sự mở rộng thương mại quốc tế, sự nổi lên của những mạng lưới buôn lậu ngày càng tinh vi, sự phổ biến của vũ khí, công nghệ hỗ trợ và khả năng con người tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn với thế giới hoang dã thông qua hệ thống đường xá mới được được xây dựng.
Người dân Lào sống ở các vùng sâu, vùng xa xưa nay vẫn duy trì hoạt động săn bắn để bổ sung thêm nguồn thực phẩm cho gia đình họ như nhiều nhóm người bản địa khác. Tuy nhiên, sự mở cửa của nền kinh tế đã biến hầu như tất cả ĐVHD thành hàng hóa, từ loài côn trùng bé nhỏ cho tới chúa sơn lâm oai hùng. Điều này, cùng với sự tồn tại của vũ khí còn sót lại rải rác từ thời kỳ chiến tranh đã tạo ra động lực và phương tiện để nạn săn bắt nhanh chóng biến các hệ sinh vật đa dạng của Lào thành tiền mặt. Những tài nguyên mà lâu nay người dân ở vùng nông thôn sống phụ thuộc đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng này càng trở nên đáng báo động khi người ta xây dựng và đưa vào khai thác hành lang kinh tế Nam – Bắc với xa lộ 1.150 dặm chạy qua Trung tâm Lào, thủ đô Băng-cốc của Thái Lan và kéo dài đến Côn Minh, Trung Quốc.
Nhiều cánh rừng rộng mênh mông dọc theo hành lang này đã bị đốn hạ để lấy gỗ hoặc biến thành những đồn điền cao su, chè, trong khi những sườn đồi thì bị đốt trụi để lấy đất canh tác lúa nếp. Những chủ đồn điền này cũng chính là những kẻ tiếp tay cho hoạt động săn bắt ĐVHD tại địa phương.
Tình hình càng thêm bi đát khi năm 2005 Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) thu nhỏ quy mô hoạt động của họ ở Vườn quốc gia Nam Ha, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Lào ở thời điểm đó. Động vật hoang dã bị bán công khai dọc hành lang kinh tế, đặc biệt là khu vực gần biên giới Trung Quốc. Trong khi động vật chết được bày bán la liệt trong chợ thì ngoài tự nhiên những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại các các loài chim thú hầu như không còn.
Hổ, đối tượng mang lại siêu lợi nhuận cho những kẻ săn bắt, giờ đây phải đối mặt với một nguy cơ nữa, đó là cạn kiệt nguồn thức ăn, do con mồi của chúng cũng bị săn bắt bừa bãi. Điều này đẩy chúng vào sự đói khát và làm nảy sinh những cuộc xung đột đẫm máu với con người.
Tê tê, loài thú ăn kiến có vảy cứng và bị cấm buôn bán quốc tế theo quy định của Công ước CITES(*), cũng đang bị săn bắt cạn kiệt ở Lào và bị buôn bán rầm rộ, chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc. Sự mở rộng của hoạt động buôn bán tê tê ở Đông Nam Á vẫn đang tiếp diễn. TRAFFIC, Mạng lưới giám sát nạn buôn bán ĐVHD, ước tính rằng ít nhất có 100.000 con tê tê (chủ yếu từ Malaysia và Indonesia) bị khai thác. Ở Việt Nam, chỉ qua một số vụ điển hình trong năm 2008, khối lượng tê tê bị bắt giữ đã là hơn 25 tấn.Trong các báo cáo của mình, TRAFFIC cũng đã khuyến nghị chính phủ các nước Đông Nam Á cần xiết chặt hơn trong việc thực thi pháp luật về ngăn chặn và kiểm soát nạn buôn bán ĐVHD.
Bảo tồn dựa trên chính cộng đồng
Ngăn chặn cần phải tiến hành đồng thời từ cả hai phía Cung và Cầu. Việc giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ĐVHD là một nhân tố vô cùng quan trọng bởi như Troy Hansel, chuyên gia WCS tại Lào, nhận xét: “Nạn buôn bán ĐVHD sẽ không ngừng lại trừ phi người ta dừng mua.”
Chiến đầu trên mặt trận “Cung” còn phức tạp hơn bởi ngăn chặn sự săn bắt cũng có nghĩa kiểm soát một nguồn thu nhập quý giá đối với những người dân nghèo. Vì vậy, ở Lào, WCS đang áp dụng phương pháp bảo tồn tổng hợp để giải quyết vấn nạn này.
Ngoài việc hợp tác với chính phủ Lào để củng cố hệ thống quy phạm pháp luật và việc thi hành luật thông qua đào tạo lực lượng kiểm lâm, hải quan, WCS đã thiết lập một chương trình giáo dục dành cho cộng đồng địa phương để giải thích loài cây, con nào được phép săn bắt và cách thức khai thác chúng một cách bền vững, cũng như hậu quả sẽ ra sao nếu hoạt động khai thác diễn ra tràn lan, bừa bãi.
Bên cạnh đó, WCS cũng xây dựng các giải pháp phụ trợ như thưởng nóng cho người phát hiện cung cấp cho cơ quan chức trách thông tin về hoạt động buôn bán ĐVHD (nguồn lấy từ tiền phạt những kẻ buôn lậu), xây dựng hệ thống các trạm kiểm soát để tăng cường sự tuần tra, giám sát của lực lượng kiểm lâm.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức tích cực cho người dân địa phương cũng rất quan trọng, như việc giúp họ hiểu rằng duy trì sự tồn tại các loài sinh vật hoang dã trong môi trường tự nhiên của chúng là rất cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực.
Với ý tưởng này, họ đã khởi động một dự án du lịch sinh thái để góp phần liên kết chặt chẽ công tác bảo tồn với phát triển sinh kế cho người dân địa phương quanh khu vực Nam Et-Phou Louey.
Đến thời điểm này, các nỗ lực của WCS đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ở nhiều vùng của Nam Et-Phou Louey, hành vi ứng xử của con người đối với tự nhiên cũng đã thay đổi. Chim chóc và các loài hoang dã khác xuất hiện gần các ngôi làng và dọc hai bờ sông cũng nhiều hơn.
Khi du ngoạn bằng thuyền ở Nam Et-Phou Louey, người ta đã nhìn thấy cú, cầy hương, rái cá và nhím. Kiểm lâm thậm chí đã nhận thấy có dấu vết của hổ trong rừng.
“Vẫn còn lại rất nhiều môi trường sống tốt. Vì thế, việc phục hổi quần thể các loài hoang dã là hoàn toàn có thể, nếu chúng ta có biện pháp quản lý phù hợp.” – Johnson, chuyên gia WCS tại Lào, nhận xét.”
(*) CITES: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp.