ThienNhien.Net – Không phải đất nước nào cũng có một hệ thống đất ngập nước phong phú, đa dạng, lại được phân bố rộng khắp như nước ta. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vùng đất ngập nước đã bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng do hoạt động khai thác và sử dụng quá mức.
Diện tích đất ngập nước của Việt Nam (VN) khoảng 10 triệu ha, chiếm 1/3 diện tích cả nước, được phân bố ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, các bãi bùn, các vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên.
Đất ngập nước là nơi dung nạp và điều tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa sinh thái và khí hậu, hạn chế lũ lụt, chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, duy trì tính đa dạng sinh học, tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành kinh tế như: nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, du lịch, khai khoáng…và là nguồn sống của hàng triệu người dân, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong quá trình khai thác và sử dụng đất ngập nước như các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngập nước; các loại chất thải ngày càng gia tăng; nuôi trồng, đáng bắt thủy hải sản bằng các phương pháp có tính hủy diệt; nạn chặt phá rừng ngập mặn, phá hủy rạn san hô; sử dụng không hợp lý các hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón trong sản xuất nông nghiệp,v.v… làm cho nguồn tài nguyên quý giá này đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái và cạn kiệt.
Để ngăn chặn sự suy thoái của đất ngập nước, VN cần phải tiến hành các biện pháp bảo tồn gắn liền với sử dụng bền vững. Nước ta đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi, nếu chúng ta chỉ quan tâm thuần túy đến bảo tồn thì cũng không khả thi. Trong bối cảnh là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, VN phải bắt đầu từ việc có một quy hoạch phát triển bền vững đất ngập nước có tính đến các kịch bản của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước hết cần ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác khoáng sản ven bờ để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, đồng thời khuyến khích du lịch sinh thái biển. Cần hạn chế phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị ở các vùng đất ngập nước có nhiều thiên tai và nhạy cảm môi trường như vùng ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Cuối cùng là hạn chế khai thác, chế biến dầu khí và các khoáng sản ven bờ, nhất là nơi có rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển; hạn chế đánh bắt, khai thác thủy hải sản ở vùng ven bờ, cửa sông, đầm phá, bãi triều và nâng cao ý thức người dân sống xung quanh những khu vực này.
Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính quốc gia, trước mắt, còn về lâu dài chúng ta phải có các giải pháp quy mô, liên vùng và liên khu vực. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội, với một vấn đề mang tính đặc thù, liên vùng như đất ngập nước, một quốc gia không thể tự giải quyết, mà cần sự liên kết khu vực.