ThienNhien.net – Với nhu cầu của ngành dệt may Việt Nam khoảng 1,2- 1,5 triệu tấn xơ Polyester để sản xuất bông tấm, sợi, vải không dệt, các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm… anh Lê Mạnh Thủy (Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thành – Thái Bình) đã nghiên cứu và thành công trong việc cải tiến công nghệ sản xuất xơ Polyester từ chai PET phế liệu.
Sau khi nghiên cứu, Công ty (Cty) TNHH Hợp Thành đã nhập dây chuyền thiết bị từ Trung Quốc và cải tiến toàn bộ thiết bị từ máy móc, dây chuyền đến quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Kết quả, sản phẩm xơ Polyester do Cty sản xuất ra có nhiều chủng loại, chất lượng cao, tương đương với các sản phẩm cùng chủng loại trên thế giới, giá thành lại thấp hơn. Với công suất 27.800 tấn/năm, so với giá thành nhập ngoại thấp hơn khoảng 0,09 USD/kg xơ Polyester (chưa kể chi phí bốc xếp, vận chuyển, bến bãi), hàng năm Cty TNHH Hợp Thành đã làm lợi khoảng 2,5 triệu USD.
Công trình đã đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Ngành dệt may chủ động được nguồn nguyên liệu xơ Polyester, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam với hàng dệt may của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng thu ngoại tệ cho đất nước. Công trình cũng góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cty cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 850 – 1.000 lao động với mức thu nhập 1,2 – 1,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết vấn đề lao động và việc làm tại địa phương. Chỉ tính riêng khâu thu mua phế liệu, Cty đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động cả trong và ngoài tỉnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của các doing nghiệp trong nước, sản phẩm xơ Polyester của CTy TNHH Hợp Thành đã có mặt tại các thị trường Italia, Pháp, Hoa Kỳ, Đức… Để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ cuối năm 2007, Cty tiếp tục đầu tư đưa nhà máy mới với công suất 20.000 tấn sản phẩm xơ Polyester /năm đi vào hoạt động. Như vậy với tổng công suất đạt 50.000 tấn/năm, Cty sẽ làm lợi 4,5 triệu USD do giảm chi phí so với nhập khẩu nguyên liệu.