ThienNhien.Net – An Giang hiện có 1.695 lò sản xuất gạch ngói nung của 546 cơ sở, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của nhân dân rất nghiêm trọng; tập trung ở 7 huyện, thị xã, thành phố, nhiều nhất là huyện cù lao Chợ Mới có 983 lò, thấp nhất là thị xã Châu Đốc với 1 lò.
Tuy các cơ sở sản xuất gạch ngói này đã giải quyết việc làm cho 14.729 lao động tại chỗ nhưng do gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, 1.400 ha đất nông nghiệp bị bạc màu, thiệt hại gần 15 tỷ đồng do giảm năng suất.
Để khắc phục tình trạng này, An Giang đã quy hoạch cụm công nghiệp gạch ngói nung tại huyện các Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với công ty TNHH Tân Việt Mỹ đưa vào thí nghiệm ứng dụng hệ thống xử lý khói thải lò gạch cho các lò gạch bị ô nhiễm nặng và triển khai xây dựng lò nung liên tục kiểu đứng và còn giới thiệu thử nghiệm mô hình lò nung gạch cải tiến sử dụng trấu ở Châu Phú.
Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ từ nay đến năm 2010 cho 13 cơ sở chuyển đổi, ứng dụng các công nghệ mới này để tiết kiệm năng lượng. Nhằm tăng thêm hiệu quả cho các giải pháp, An Giang đang triển khai đề án sắp xếp, khắc phục ô nhiễm môi trường từ nay đến năm 2012. Trước mắt từ nay đến năm 2010, An Giang buộc ngưng hoạt động 724 lò nung gạch và đến 2012 có 839 lò nung gạch phải thực hiện khắc phục ô nhiễm, đến năm 2013 sẽ đóng cửa tất cả các lò gạch thủ công.
An Giang còn quy hoạch vùng khai thác nguyên liệu theo hướng bảo đảm tái tạo lớp đất mặt; quy hoạch cụm lò gạch tập trung; huy động tất cả nguồn quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nghề, ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn vay để thực hiện các chính sách hỗ trợ đi kèm 30% nhưng không quá 100 triệu đồng cho cơ sở chuyển đổi theo công nghệ sản xuất mới.