ThienNhien.Net – Toàn lãnh thổ Việt Nam có hơn 30 khu vực có thể phát sinh động đất với cường độ 5,5 đến 6,8 độ Richter (mức độ gây hư hại công trình xây dựng). Mối đe dọa luôn rình rập, song thực tế ý thức của người dân về thảm họa này chưa cao. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước tuy thành công nhưng chưa được áp dụng vào cuộc sống.
Tây Bắc hứng chịu nhiều nhất
Tại hội thảo “Nguy cơ động đất tại Việt Nam” diễn ra ngày 12/03/2009, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý Địa cầu) cho hay, Việt Nam được biết đến như một đất nước có mối hiểm họa động đất khá cao.
Ông Phương nói rằng, những trận động đất mạnh nhất đạt tới 6,7-6,8 độ Richter và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử (1 trận vào thế kỷ XIV) và bằng thiết bị máy móc (2 trận vào thế kỷ 20) tại vùng Tây Bắc.
Ở ngoài khơi, trên vùng thềm lục địa đông nam đất nước, động đất ghi nhận được cũng đã đạt tới 6,1 độ Richter (động đất Hòn Tro năm 1923).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Triều (Viện Vật lý Địa cầu) cho rằng, Tây Bắc chính là vùng phải hứng chịu động đất nhiều nhất. Tuy nhiên, động đất cũng có nguy cơ xảy ra tại nhiều nơi khác trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Gần đây, một trận động đất có độ lớn 5,1 độ Richter đã xảy ra ở vùng biển gần Vũng Tàu. Cùng ngày, một trận động đất lớn hơn với độ lớn 5,5 độ Richter đã lại xảy ra tại ngoài khơi Nam Trung Bộ.
“Trên khắp lãnh thổ Việt Nam có tới hơn 30 khu vực có thể phát sinh động đất. Mức độ động đất nằm trong khoảng 5,5 đến 6,8 độ Richter, có thể gây hại cho nhà cửa cũng như những công trình xây dựng khác,” Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết.
Nói về khả năng động đất tại Hà Nội, ông Học cho hay, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng, sông Chảy – nơi đã từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ Richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội la 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285).
“Hiện, khu vực Hà Nội được xem là yên tĩnh nhưng trong tương lai, hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La,” ông Học nói.
Thiếu kết nối giữa khoa học với cuộc sống
Ai cũng biết rằng, động đất – khi xảy ra với cường độ lớn sẽ là thảm họa. Nhưng trên thực tế người dân còn khá thờ ơ với biến cố thiên tai này. Một phần cũng bởi thiếu sự kết nối giữa những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học với đời sống.
Ngành nghiên cứu động đất tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước, song đến nay đã có một đội ngũ các nhà khoa học mạnh. Những công trình nghiên cứu của họ đã được nhiều hội đồng khoa học đánh giá thành công nhưng vẫn không ứng dụng được vào thực tế.
Lý giải vấn đề này, ông Phương cho rằng: “Đó là bởi chúng ta đang thiếu cái gạch nối giữa nhà khoa học với người dân, giữa nhà khoa học với những người đưa ra quyết định chính sách.”
Theo ông Triều, động đất là vấn đề tự nhiên, chúng ta không thể bỏ nhà mà chạy đi đâu được. Do đó, chính vòng kết nối sẽ giúp nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách truyền tải tới người dân phải biết sống thế nào, nắm được quy luật của động đất để đề ra cách ứng phó hợp lý…
“Giả dụ, nếu có sự kết nối chặt chẽ, nhà khoa học sẽ bảo người dân không nên xây nhà trên vùng đất có thể xảy ra các đới đứt gãy mà phải làm nhà ở đâu, tổ chức cuộc sống như thế nào, khi động đất thì chạy vào đâu…,” ông Triều nói.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Viện trưởng Viện phát triển Công nghệ, cho rằng, có 3 vấn đề cần phải bàn bạc. Đó chính là việc cộng đồng, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách phải kết nối lại để phân tích, đánh giá nguyên nhân, nguy cơ động đất ở Việt Nam ở mức độ nào. Các nhà khoa học phải đề xuất những biện pháp ứng phó khi động đất xảy ra đồng thời tuyên truyền người dân phải làm gì khi có động đất cũng như sinh sống thế nào ở vùng có nguy cơ…
Đông đảo giới chuyên môn nhận định, nếu thiếu sự kết nối và tuyên truyền tới người dân, chắc chắn khi xảy ra động đất, Việt Nam sẽ phải hứng chịu một thảm họa khôn lường./.