Chung tay vì một Việt Nam xanh

ThienNhien.Net – Đây là chủ để buổi hội thảo diễn ra ngày 15/03/2009 tại Hà Nội do chín câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường(*) đồng tổ chức, cũng là tôn chỉ hoạt động của các nhóm tình nguyện môi trường hiện nay.

Trong xu hướng chung của xã hội ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cộng đồng, các bạn thanh niên, sinh viên cũng có cách thể hiện riêng của mình, bằng việc hình thành các CLB, nhóm hành động vì môi trường. Cho đến nay, trên cả nước đã có hàng chục CLB môi trường như vậy đang hoạt động.

Mặc dù mang tính chất tình nguyện và đều mới được thành lập (có CLB chỉ mới hình thành từ cuối năm 2008) nhưng các CLB đã duy trì tốt các hoạt động và không ngừng mở rộng số lượng thành viên của mình. CLB đạp xe vì môi trường đã trở thành lệ, cứ 7h30 sáng chủ nhật hàng tuần lại tụ tập tại Hồ Ngọc Khánh của Hà Nội để dạo những vòng xe quanh thành phố, truyền đi những thông điệp xanh đến với mọi người.

3R Hà Nội cũng đã gây được thu hút được sự chú ý của đông đảo học sinh, sinh viên và người dân thủ đô thông qua hai lần tổ chức thành công hội chợ đổi đồ cũ Mottainai Fair và hàng loạt các hoạt động khác của mình. Tâm sự về mục tiêu của nhóm, đại diện CLB 3R-Hà Nội không ngần ngại chia sẻ: “Năm 2009 là một năm bận rộn của nhóm mình. Bọn mình sẽ thí điểm một dự án phân loại rác 3R tại 4 phường của Hà Nội, tiếp tục phát triển chiến dịch Eco-bag (túi sinh thái) và tổ chức hội chợ Mottainai Fair lần 3 … bọn mình cũng hy vọng đến cuối năm 2009, CLB sẽ có 10.000 thành viên”.

Hoạt động tình nguyện là biểu hiện của một nền văn hóa trách nhiệm trong đó các cá nhân thể hiện ý muốn phụng sự cho những mục tiêu lớn của xã hội bằng công sức và tài năng của mình không vì mục đích cá nhân.
                                          – PanNature –

Phần trình bày về hoạt động và định hướng của chín CLB tại hội thảo cho thấy sinh viên ngày nay ngoài sự năng động, nhiệt tình vốn có, đã có sự trưởng thành về nhận thức và cách thức tiếp cận, tổ chức các hoạt động xã hội. Các chủ đề, thông điệp về môi trường được đưa ra bám sát những mối quan tâm của xã hội, thiết thực cho cộng đồng. Đồng thời, các nhóm đã huy động được sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức về môi trường trong nước và quốc tế.

Tự nhận xét về mình, các CLB đều cho rằng những hoạt động, sự kiện đã được tiến hành trong thời gian qua cần được tăng cường về quy mô và nội dung để tạo nên tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng. Hoạt động của từng CLB còn nhỏ lẻ và đôi khi trùng lặp với các CLB khác nên xét về tổng thể còn lãng phí nguồn lực và chưa tạo được hiệu quả.

Nhận thấy cần có sự kết nối nhau lại để hoạt động hiệu quả hơn, các câu lạc bộ đã chủ động liên lạc và cùng nhau tổ chức Hội thảo “Chung tay vì một Việt Nam xanh”. Tại đây, chín câu lạc bộ, đại diện cho các nhóm sinh viên hành động vì môi trường, đã cùng nhau ký kết một Bản ghi nhớ hợp tác – đánh dấu mốc khởi đầu cho những chia sẻ, hỗ trợ và hợp tác giữa các nhóm từ nay về sau.

Bạn Hoàng Đức Minh, sinh viên năm thứ nhất ĐH Thủy Lợi, trưởng nhóm RAECP, chia sẻ: “Mình nghĩ một biên bản ghi nhớ này là chưa đủ. Các nhóm sẽ phải thường xuyên gặp gỡ và xây dựng nên một cơ chế hợp tác cụ thể. Bọn mình cần hỗ trợ nhau nhiều hơn để đóng góp hiệu quả hơn nữa, vì một Việt Nam xanh, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
 


(*) 9
câu lạc bộ đồng tổ chức hội thảo gồm: Câu lạc bộ Ðạp xe vì Môi trường (C4E), Câu lạc bộ Hành
trình xanh (GGC), Câu lạc bộ tiếng Anh và Môi trường (TGC), Câu lạc bộ
3R Hà Nội, Câu lạc bộ Môi trường 360o, Hội sinh viên Viện
Khoa học và Công nghệ Môi trường, Câu lạc bộ Sinh viên và Môi trường
(Sn’E), Câu lạc bộ Ðại sứ Môi trường Bayer (BYEE club) và Câu lạc bộ
Năng lượng Sức khỏe Môi trường (EHE).