Chiến lược về tài nguyên của Trung Quốc ở khu vực Đông Dương

ThienNhien.Net – Dự án nghiên cứu “Tìm hiểu Trung Quốc dưới vai trò một nhà hoạt động ở khu vực Đông Dương” do Quỹ Heinrich Boll Stiftung, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Viện Quốc tế về Phát triển Bền vững đồng thực hiện nhằm làm rõ vai trò kinh tế của Trung Quốc ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nền tảng đối thoại xây dựng giữa những người làm chính sách cùng các bên liên quan ở Trung Quốc và các nước khu vực Đông Dương. ThienNhien.Net xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết tóm tắt kết quả nghiên cứu tổng quan thực hiện trong giai đoạn đầu của dự án.

Trung Quốc đang nỗ lực phát triển để trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Do
tài nguyên trong nước có hạn, trong khi sản xuất công nghiệp
phát triển nhanh chóng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của
nền kinh tế về nguồn cung tài nguyên thiên nhiên ổn định và chủ
động, Trung Quốc đã tăng mạnh vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
(FDI) và đặc biệt ưu tiên vào các lĩnh vực khai thác mỏ và năng
lượng.

Chiến lược “Vươn ra toàn cầu” và đối sách với khu vực Đông Dương

Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với thế giới đang biến chuyển nhanh chóng. Kế hoạch 5 năm về Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia lần thứ 10 (2001-2005) đã thiết lập một chiến lược để Trung Quốc tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên ở các nước khác, thiết lập cơ sở cung cấp dầu mỏ và khí đốt từ bên ngoài, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ, tạo nên nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược và duy trì an ninh năng lượng quốc gia. Từ năm 2004, Chiến lược “Vươn ra toàn cầu” của nước này đã được tính toán cụ thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tài nguyên thiên nhiên, cả ở quy mô khu vực và toàn cầu, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài bằng cách trợ cấp đầu tư cho các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác tài nguyên.

 Năm 2002, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới và hiện đang là một trong những nơi tiêu thụ nhôm, kẽm và niken lớn nhất. Cũng trong năm 2002, Trung Quốc đã trở thành nơi tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, vượt cả Hoa Kỳ, với khối lượng 3,45 triệu tấn, chiếm 18,2% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc dự báo đạt 11,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm xây dựng các chính sách và hướng dẫn để quản lý nguồn viện trợ và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Dù đây là một động thái mới nhưng hứa hẹn sẽ đáp ứng và làm dịu những xung đột tiềm ẩn về đầu tư trong các dự án nhạy cảm như đập thủy điện, khai mỏ lộ thiên và phát triển đồn điền quy mô lớn. Tuy nhiên, chiến lược này hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đặt ra. Chẳng hạn, hướng dẫn của Chính phủ Trung Quốc về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định các công ty Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại. Tuy vậy, đối với khu vực Đông Dương, những quy định này ít được thực thi nghiêm túc. Điều này không tạo ra sự tiến bộ trong hoạt động kinh doanh và như vậy các công ty Trung Quốc không chỉ vi phạm pháp luật sở tại mà còn vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Quan hệ của Trung Quốc với ba nước khu vực Đông Dương là Campuchia, Lào và Việt Nam khá năng động và phức tạp. Hiệp ước Thương mại Tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) hứa hẹn những hợp tác kinh tế xa hơn trong tương lai. Thỏa thuận này cho thấy hoạt động tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ tiến triển giữa hai đối tác này trong nhiều năm tới, cho phép Trung Quốc xây dựng mối quan hệ song phương và đa phương gắn bó với các nước láng giềng phía nam thông qua đầu tư, thương mại và viện trợ; đảm bảo cho Trung Quốc tránh khỏi những ảnh hưởng lớn hơn từ phía Tây bằng cách thiết lập an ninh khu vực biên giới nhờ quan hệ hữu nghị.

Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa buộc phải tuân theo một số tiêu chuẩn quốc tế đối với các dự án tiềm ẩn tác động tiêu cực về môi trường và xã hội trong các hoạt động đầu tư ở nước ngoài, mặc dù họ có thể phải tuân thủ chúng ở ngay tại nước mình. Các cuộc đàm phán về đầu tư chủ yếu vẫn dựa trên mối quan hệ và tình hữu nghị. Trung Quốc được coi như một “thế lực mềm mỏng” về văn hóa và tư tưởng, kết bạn khắp nơi trong khu vực với tình hữu nghị là mũi nhọn tấn công các hoạt động kinh doanh.

Trung Quốc và khu vực tài chính – thương mại ở Đông Dương

Trong khu vực Đông Dương, Trung Quốc đang giành được vị thế nổi bật như một đối tác và nhà đầu tư thương mại song phương quan trọng, đồng thời nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các nước láng giềng phía Nam trên thị trường và đầu tư toàn cầu. Trung Quốc tạo ra gần nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông và Đông Nam Á, và chiếm một phần ba tổng lượng xuất khẩu của vùng. Trong khi Trung Quốc và Việt Nam cạnh tranh về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và thị trường thế giới, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hơn thế, Trung Quốc là nhà tài trợ và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất ở Lào và Campuchia.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp viện trợ đáng kể cho Campuchia, Lào và Việt Nam, hầu như không kèm theo bất kỳ điều kiện lớn nào và thường kết hợp với trao đổi và hỗ trợ văn hóa. So sánh với các nhà tài trợ khác, nguồn vốn ODA từ Trung Quốc thường không liên quan tới các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, thủy điện và khai mỏ, đa phần là hỗ trợ cho phát triển giao thông, viễn thông, sức khỏe, giáo dục, nguồn lực con người, và xây dựng (các tổ hợp thể thao, văn hóa và công trình chính phủ). Campuchia là nước duy nhất (trong ba nước) đặc biệt có được hỗ trợ của Trung Quốc về các dự án phát triển thủy điện.

Cơ cấu thương mại: Nhập khẩu tài nguyên, xuất khẩu sản phẩm chế tạo

Trong cơ cấu thương mại với Campuchia, Lào và Việt Nam, Trung Quốc hiện chiếm ưu thế trong nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. Hơn 90% lượng xuất khẩu từ ba nước Đông Dương vào Trung Quốc là hàng nông sản và nguyên liệu thô. Điều này tạo nên sự tương phản đáng chú ý trong cơ cấu thương mại giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Phillipin và Thái Lan khi cơ cấu thương mại với các nước này đa dạng hơn và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc ít tập trung vào tài nguyên hơn.

Buôn bán hàng hóa không chính thức (hay buôn lậu) đang lan rộng ở ba nước Đông Dương. Có ý kiến cho rằng phần lớn than và cao su xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là trái phép, trốn thuế và cũng không có thống kê về khối lượng hay giá trị. Ở phía Bắc Lào, người ta biết rõ rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thiết lập các hoạt động sản xuất hàng hóa tùy tiện như đường, sắn, ngô và gỗ rồi sau đó vận chuyển qua đường biên giới. Nhiều nơi ở Campuchia, mặc dù chưa được kiểm chứng, người ta nghi ngờ rằng một số công ty Trung Quốc đã tham gia vào việc kinh doanh gỗ, vàng và khoáng sản một cách không chính thức và điểm đến cuối cùng của hàng hóa vẫn là thị trường Trung Quốc.

Sự khác nhau cơ bản giữa ba nước trong mối quan hệ với Trung Quốc là ở tầm quan trọng tương đối của đầu tư và hỗ trợ nước ngoài với các lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện và khai thác mỏ. Ở Campuchia và Lào, đầu tư của Trung Quốc trong cả ba lĩnh vực trên đều lớn. Song đối với Việt Nam, Trung Quốc chỉ xếp thứ 15 trong số các nhà đầu tư lớn, và đầu tư đáng kể chỉ trong khai thác mỏ. Việt Nam vốn là nước đi đầu trong khu vực về thủy điện, khai mỏ, trồng cao su với đầu tư vào Lào và Campuchia. Đối với Việt Nam, hoạt động thương mại với đối tác lớn nhất là Trung Quốc đặc biệt có ý nghĩa trong ba lĩnh vực nói trên.

Đầu tư vào thủy điện, khai mỏ và thương mại nông nghiệp

Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên của ba nước Đông Dương từ lâu được xem là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trung Quốc như một nhà đầu tư lớn vào ba lĩnh vực nói trên kèm theo một thị trường rộng lớn hứa hẹn những thay đổi căn bản. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang cung cấp nguồn lực cho công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Campuchia, Lào và Việt Nam, trở thành những nhà đầu tư chính.

Song, dù có tiềm năng lớn, thủy điện vẫn chưa được khai thác nhiều. Tuy nhiên, ở Lào và Campuchia, Trung Quốc đã tham gia vào khoảng 21 dự án thủy điện với tư cách là chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công. Hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc do các doanh nghiệp Trung Quốc thiết kế, thực hiện. Vai trò hiện nay của Trung Quốc trong thủy điện ở Việt Nam khá ít ỏi. Không có hợp tác liên kết nào, phần lớn việc xây dựng thủy điện đều do các đơn vị Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cung cấp phần lớn tuốc-bin và các thiết bị khác cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ, và Việt Nam đang nhập khẩu 200MW điện từ phía Nam Trung Quốc. Con số này dự báo sẽ tăng lên 10 lần vào năm 2015, với lượng nhập khẩu ước tính tới 2.000 MW.

Khai thác khoáng sản hiện nay còn nhỏ về quy mô và đòi hỏi nhiều nhân công. Tuy nhiên, dọc cao nguyên Bolaven ở Lào và vùng Tây Nguyên Việt Nam, Trung Quốc đang tiến hành đầu tư vào các vùng lớn hơn để khai thác bô-xit nhằm chế biến và xuất khẩu nhôm cho hoạt động xây dựng, giao thông và công nghiệp đóng gói ngày một phát triển của mình. Các đầu tư khác trong khai mỏ và/hoặc xuất khẩu ở ba nước này bao gồm vàng, đồng, sắt, kẽm và than đá. Trung Quốc được dự báo là sẽ còn là một thị trường lớn và một nhà đầu tư quan trọng về khoáng sản trong khu vực.

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Campuchia và Lào hầu hết tiêu thụ ở địa phương và thiếu nguồn lực đầu tư chiều sâu. Nhưng gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào nguyên liệu nông nghiệp cho hai nước này và là một thị trường lớn cho hàng hóa ở cả ba lĩnh vực nói trên. Nhu cầu đang tăng lên của Trung Quốc về cao su thiên nhiên khiến các nước láng giềng phía Nam chuyển đổi một diện tích lớn đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Trung Quốc đầu tư lớn vào sản xuất cao su ở Lào, mặc dù ít hơn so với Campuchia. Ở Việt Nam, mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực cao su hiện nay còn hạn chế, nhưng Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu cao su chính.

Hướng đến đầu tư bền vững về xã hội và môi trường

Sự hiện diện và vai trò ngày một rõ nét của Trung Quốc ở ba nước Đông Dương mở ra những cơ hội mới thông qua FDI, thương mại và quan hệ đối tác vùng. Những cơ hội mới này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu cho một vài nước nghèo trong khu vực Đông Nam Á và xây dựng mối gắn bó khu vực chặt chẽ hơn cho cả Trung Quốc và những nước được đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu ngày một lớn về cơ hội đầu tư, vẫn còn nhiều nguy cơ lớn đối với các nước đang trông chờ cơ hội: đường biên giới lỏng lẻo thuận tiện cho luân chuyển hàng hóa và người trái phép, năng lực và nguồn lực địa phương hạn chế trong việc thực thi những quy định khác nhau ở ba nước này. Những rủi ro về mặt xã hội và môi trường có thể tác động đáng kể đến hệ sinh thái ven sông, đất canh tác nông nghiệp và cộng đồng.

Trung Quốc đang bắt đầu nỗ lực cải thiện vị thế của mình trên vũ đài quốc tế bằng việc thể hiện họ sẵn sàng nhận trách nhiệm thực hiện tốt nhất các nguyên tắc quốc tế như Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles) đối với các ngân hàng, các chiến lược tham gia của cộng đồng và chính sách tín dụng xanh. Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc chủ yếu thuộc nhà nước trong lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện vẫn đang thể hiện hoạt động yếu kém về mặt xã hội và môi trường ở nước ngoài. Nếu kiểm soát chặt chẽ các đầu tư ra nước ngoài, tăng cường các quy chế đầu tư, tiếp thu các điển hình và nguyên tắc thành công trên thế giới, Trung Quốc có cơ hội trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong đầu tư bền vững về mặt xã hội và môi trường. Tuy nhiên, gánh nặng không chỉ đặt lên mình Trung Quốc. Nước này cần hợp tác với chính phủ các nước liên quan để hỗ trợ các đối tác cung cấp tài nguyên tăng cường quy định của chính họ.


Mời độc giả tham khảo toàn văn các thảo luận chính sách tại website của Trung tâm Con người và Thiên nhiên – www.nature.org.vn/vn