ThienNhien.Net – Ngày 10/3/2009, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học về giải pháp phục hồi và tái sử dụng các vùng đất ngập nước bị ô nhiễm, do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng Bộ Liên Bang về Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên và An toàn lò phản ứng của Đức tổ chức.
Tình trạng đất ngập nước bị ô nhiễm là vấn đề đáng lo ngại ở nước ta hiện nay. Trong số hơn 10 triệu ha đất ngập nước thì có khoảng hơn 70% diện tích bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Những cơ sở và sự cần thiết của việc cải tạo lại diện tích đất là chủ đề xuyên suốt của hội thảo
Theo các nhà khoa học, mỗi hécta đất có khoảng trên 20kg phân hóa học còn tồn dư. Việc phục hồi các vùng đất ngập nước không chỉ có ý nghĩa kinh tế (tăng nguồn lợi thủy sản, khả năng canh tác nông nghiệp) mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi sinh của các loài chim hoang dã, ngăn ngừa bệnh cúm gia cầm.
Hội thảo đưa ra các biện pháp phục hồi và tái sử dụng đất ô nhiễm được khuyến cáo bao gồm: Đẩy mạnh trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; hạn chế sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh trong sản xuất nông nghiệp.
Và nhiều vấn đề cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị như: suy thoái đất nông nghiệp, kích thích kinh tế cho việc tái sử dụng đất, sản xuất năng lượng trong khu đô thị…Tại đây, các chuyên gia tới từ Đức cũng nêu ra những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quá trình cải tạo đất của mình. Một trong các dự án cải tạo đất được đánh giá cao ở Việt Nam là việc cải tạo và sử dụng các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 tại Nam Định.
Các đại biểu tham dự chương trình cũng cho rằng, cải tạo các vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu là vấn đề mới tại Việt Nam nên khi thực hiện sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Vì vậy, cần xác định mức độ ô nhiễm trong đất, lựa chọn công nghệ xử lý và kinh phí cho việc cải tạo…