Lý giải sự bùng nổ của virus Ebola

ThienNhien.Net – Việc phát hiện virus Ebola Reston trên đàn lợn ở Philippines vào năm ngoái đã đánh dấu sự lan truyền của loại virus nguy hiểm số 1 này sang một loài khác ngoài linh trưởng, gây nên mối lo sợ về nguy cơ đe doạ tới sức khoẻ con người. Một phái đoàn gồm 22 chuyên gia sức khoẻ quốc tế và thú y đã trở về sau cuộc điều tra sự bùng phát của virus này. Tuy nhiên, họ lại mang theo nhiều nghi vấn hơn là những câu trả lời về căn nguyên bệnh lý và dịch lý của loại virus này.

Virus Ebola Reston lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1989, trên những chú khỉ ăn cua nhập khẩu vào Mỹ từ Philippines. Virus này đã giết chết hầu hết những con khỉ bị lây nhiễm, tuy nhiên lại không gây hậu quả gì đối với 25 người bị lây nhiễm – trái ngược với 3/4 những dòng virus Ebola khác đã gây tử vong cho 25% đến 90% số người bị lây nhiễm.

Do chỉ có một số rất ít người đã tiếp xúc trực tiếp với loài linh trưởng ở Philippines, nguy cơ nhiễm virus Ebola Reston qua con đường này là tương đối thấp. Tuy nhiên, theo Pierre Rollin, một chuyên gia về virus Ebola của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch (CDC) ở Atlanta, Georgia, đồng thời là thành viên của phái đoàn đã tới Philippines, sự xuất hiện của virus này ở những loài gia súc quan trọng là rất bất ngờ và đáng lo ngại. Cô phát biểu “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lợn có thể bị lây nhiễm”.

Khi lây nhiễm sang lợn, loài virus này có khả năng biến đổi sang một biến thể khác có thể gây tử vong cho con người, tương tự một loại virus gây bệnh cúm ở gia cầm trước đây. “Chúng tôi hiện giờ vẫn chưa biết được chúng sẽ tác động như thế nào lên những người bị suy giảm miễn dịch do HIV hay ma tuý”, Rollin bày tỏ lo ngại.

Nhưng dường như loại virus này hầu như không đe doạ tới sức khoẻ con người. Chúng bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín thức ăn. Hơn nữa không có triệu chứng bệnh lý rõ rệt nào trên những người nuôi lợn. Họ sẽ sớm được kiểm tra xem có kháng thể nào đối với loại virus này trong cơ thể hay không.

Những nghiên cứu về sự lây nhiễm Ebola Reston được triển khai sau khi những nông dân ở Philippines báo cáo tỷ lệ tử vong cao trên đàn lợn trong năm 2008. Vào tháng 9, các mẫu bệnh phẩm lấy từ 28 con lợn nhiễm bệnh đã được gửi đến Trung tâm Dịch tễ Thú y ở New York. Ở đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra dấu hiệu của virus gây ra hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn, còn được biết đến với tên gọi dịch tai xanh đã bùng phát ở rất nhiều quốc gia châu Á trong những năm gần đây. Nhưng tại Phòng thí nghiệm CDC lab ở Atlanta người ta phát hiện thêm 6 mẫu bệnh phẩm nhiễm Ebola Reston.

Mặc dù có dấu vết của những bệnh dịch khác nhau trong các mẫu thí nghiệm như dịch cúm, và virus circo loại II, nhưng Rollin cho rằng Ebola Reston chính là nguyên nhân gây tử vong cho đàn lợn do các mẫu mô chỉ ra rằng virus Ebola Reston đã thâm nhập vào hết lá lách, tương tự như kiểu tấn công của virus này trên khỉ. Các xét nghiệm về bệnh lý sâu hơn sẽ được triển khai vào mùa xuân tại Phòng thí nghiệm sức khoẻ động vật Australia ở Geelong, bang Victoria.

Những con lợn bị lây nhiễm được nuôi ở nhiều nông trang trên đảo Luzon. Ngày 13 tháng 1 năm 2009, các nhân viên của Bộ y tế đã thu thập được các mẫu máu và mô từ hàng trăm con lợn có bề ngoài khoẻ mạnh ở đây. Mặc dù không mong đợi tìm thấy virus trên các mẫu thí nghiệm, nhưng những con lợn này có khả năng mang những kháng thể có thể cho biết tỷ lệ tử vong tương ứng với tỷ lệ lây nhiễm.

Rollin nghi ngờ rằng, tương tự như đối với loài khỉ, lợn nhiễm virus này do tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, chứ không phải là lây từ con này sang con khác. Năm 2005, sự bùng phát virus Ebola ở người tại Gabon và Cộng hoà dân chủ Congo đã được chứng minh là có nguyên nhân từ những đàn dơi mang mầm bệnh trong phân. ”Trường hợp của Philippines đúng là như vậy” Rollin kết luận.

Loại virus này có thể đã phát tán khi phân chim rơi vào thức ăn của lợn. Do đó, nguy cơ lây nhiễm có thể giảm xuống bằng cách di chuyển các loài cây ăn quả, nơi những đàn dơi tụ tập, ra xa chuồng lợn, hoặc lợp mái cho các chuồng nuôi. Rollin kết luận: “Chúng ta không thể tiêu diệt triệt để, mà chỉ có thể học cách tránh xa mầm bệnh”.