ThienNhien.Net – Cuối tháng 02/2009, Trung tâm Khoa học và Cứu hộ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB), tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Tổ chức động thực vật Quốc tế (FFI) tiến hành điều tra, khảo sát quần thể Vượn Siki (<i>Nomascus leucogenys siki</i>) tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt I, thuộc khu vực núi U Bò. Kết quả bước đầu ghi nhận được trên 30 đàn vượn Siki tại khu vực này.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và khảo sát quần thể Vượn Siki (Nomascus leucogenys siki) tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng” do Tổ chức FFI hỗ trợ.
Kết quả phân tích sơ bộ bước đầu đã ghi nhận được trên 30 đàn Vượn Siki với số lượng trên 100 cá thể phân bố trong phạm vi khoảng 30 km2. Theo đánh giá của các chuyên gia động vật hoang dã, thì đây là một trong những khu vực có mật độ phân bố Vượn Siki cao nhất Việt Nam.
Trong chuyến khảo sát này, cũng đã ghi nhận được một quần thể Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) với số lượng trên 60 cá thể trong khu vực điều tra, khảo sát.
Vượn Siki và Chà vá chân nâu là hai loài linh trưởng quý hiếm xếp bậc E (đang nguy cấp) trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới cần bảo tồn phát triển.
Kết quả này, một lần nữa minh chứng thêm cho sự phong phú về đa dạng sinh học của Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi còn nhiều giá trị tiềm ẩn của thiên nhiên Việt Nam chưa được khám phá./.