ThienNhien.Net – Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. Công ước này là một công cụ rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Trước thể kỷ 20, quyền của các quốc gia bị giới hạn trong một vành đai lãnh hải, thường là 3 hải lý, tính từ các bờ biển của quốc gia đó. Đây là ý niệm ‘quyền tự do về biển’ có từ thế kỷ 17.
Tuy nhiên, đầu thế kỷ 20, nhiều quốc gia biểu lộ ý muốn mở rộng quyền tuyên bố chủ quyền quốc gia nằm đưa các nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ nguồn cá và có các phương tiện để thực thi kiểm soát ô nhiễm. Đến năm 1967, chỉ có 25 quốc gia vẫn sử dụng giới hạn 3 hải lý, 66 quốc gia đã quy định giới hạn lãnh hải 12 hải lý và 8 quốc gia đưa ra giới hạn 200 hải lý. Sự ra đời của công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) tỏ ra cần thiết do tính pháp lý yếu của ý niệm trên.
Công ước bắt đầu được ký kết từ năm 1982 và có hiệu lực năm 1994. Cho đến nay, 154 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Hoa Kỳ không tham gia vì nước này tuyên bố rằng hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, những hiệp định phân định chủ quyền trên biển của Việt Nam, bao gồm hiệp định phân định chủ quyền trong Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, hiệp định phân định chủ quyền trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và hiệp định chủ quyền thềm lục địa với Indonesia, đều được đàm phán dựa trên UNCLOS.
Quý vị quan tâm, có thể tham khảo chi tiết văn bản Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Phiên bản điện tử này được hoàn thành trong khuôn khổ dự án điện tử hóa bản tiếng Việt của UNCLOS (theo bản dịch của Văn phòng Chính phủ), do Quỹ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức thực hiện.