Từ ô nhiễm đến bệnh hen suyễn ở thai nhi

ThienNhien.Net – Một báo cáo nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Thư viện Cộng đồng về Khoa học (PloS ONE) đã đưa ra giả thuyết rằng ô nhiễm không khí do giao thông gây biến đổi gen trong bào thai, khiến thai nhi tăng nguy cơ nhiễm hen suyễn.

Báo cáo dựa trên quá trình nghiên cứu dây rốn của 56 đứa trẻ và phát hiện ra sự tổ chức lại cấu trúc của một loại gen có liên quan đến khí thải giao thông. Các nhà nghiên cứu cho biết loại gen này có liên quan đến các triệu chứng hen suyễn ở trẻ 5 tuổi.

Các chuyên gia khẳng định đây là lần đầu tiên khí thải ô nhiễm được chứng minh có ảnh hưởng đến gen. Trong công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học đã quan sát được một loại gen có tên là ACSL3 trong phổi.

Họ cũng thống kê được sự phơi nhiễm của người mẹ đối với hợp chất Hydrocacbon thơm đa chu trình (PAHs) – một loại chất sinh ra do sự đốt cháy nhiên liệu ở những khu vực có mật độ giao thông cao – trong quá trình mang thai bằng túi kiểm tra không khí đeo sau lưng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa những biến đổi hoá học kiểm soát hoạt động gen và mức độ phơi nhiễm PAH cao của người mẹ.

Mặc dù những phát hiện này cần được khẳng định trong các nghiên cứu quy mô lớn hơn, nhưng các nhà khoa học cho biết những thay đổi trong gen ACSL3 có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh hen suyễn do ô nhiễm không khí.

Đây là một ví dụ về sự thay đổi biểu sinh khi các yếu tố môi trường tác động đến hoạt động của gen nhưng không gây ra biến đổi về cấu trúc hay đột biến gen.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy gen ACSL3 có trong cấu trúc màng tế bào. Nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu khác nhằm tìm hiểu về vai trò của loại gen này đối với bệnh hen suyễn.

Các nghiên cứu khuyến cáo rằng nguy cơ mắc hen suyễn có liên quan đến ô nhiễm môi trường trong giai đoạn đầu đời và tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những khu vực có mật độ giao thông cao.

Giáo sư Shuk-mei Ho, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền học ở Đại học Cincinnati bang Ohio, Mỹ cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khái niệm về phơi nhiễm môi trường có liên quan đến gen trong những giai đoạn phát triển quan trọng, dẫn đến sự trầm trọng của bệnh ở giai đoạn sau, và các tế bào bị lập trình lại trở thành những tế bào bất thường”.

Bà cho rằng phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh hen suyễn có thể giúp ngăn ngừa bệnh cho 25% số trẻ em sống trong các khu vực ô nhiễm giao thông trầm trọng.

Tiến sĩ Keith Prowse, phó giám đốc Viện Lao Anh, thể hiện mối quan tâm tới nghiên cứu này: “Chúng tôi biết rằng những đứa trẻ sống trong các khu vực ô nhiễm có nguy cơ mắc hen suyến nhiều hơn nhưng không biết điều đó lại ảnh hưởng đến gen. Nếu quan sát và phát hiện ra sự biến đổi gen trong một cái dây rốn, sẽ phát hiện được trẻ có nguy cơ mắc hen suyễn, khi đó quá trình điều trị sớm sẽ hiệu quả hơn”. Ông cho biết thêm, có thể có nhiều nguyên nhân gây ra hen suyễn nên vấn đề này vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng trong 10 năm trở lại đây, thực tế ngày càng rõ ràng hơn.

Tiến sĩ Elaine Vickers, Quản lý Bộ phận nghiên cứu Hen suyễn ở Anh, cho biết: “Chúng tôi chưa dám chắc liệu ô nhiễm không khí có thực sự gây ra hen suyễn hay không. Mặc dù nghiên cứu này thực sự thú vị nhưng chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn trước khi kết luận chắc chắn về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng ô nhiễm gây ra các triệu chứng của hen suyễn ở 2/3 dân số, nhiều người cho rằng việc giảm ô nhiễm không khí có thể tạo nên một bước thay đổi lớn về chất lượng cuộc sống của họ”.