Cảnh giác với bệnh thủy đậu

ThienNhien.Net – Trong những ngày gần đây số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3, số bệnh nhân là người lớn đang tăng tới mức “kỷ lục”. Bệnh này lây lan rất nhanh.

Hiện nay, ở nước ta đang là mùa dễ mắc bệnh thủy đậu (từ tháng giêng đến tháng 5) và tháng 3 là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất trong năm. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cho biết, nhiều trường hợp bị mắc thủy đậu nhưng lại nghĩ bị dị ứng do thời tiết, hay thức ăn nên tự điều trị dẫn đến những biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm não.

Theo BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, người mắc bệnh tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 5 – 11 tuổi. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp là người lớn, thậm chí có cả phụ nữ mang thai cũng bị thủy đậu. Trong đó, nhiều bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng để lại sẹo lõm trên da phải điều trị bằng kháng sinh. Bệnh viện đã khám và điều trị cho 125 bệnh nhân thuỷ đậu; tháng 2 số người bị thuỷ đậu tiếp tục tăng đến gần 200 bệnh nhân và số bệnh nhân đang ngày một gia tăng trong đầu tháng 3.

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những nốt mụn nước lan tràn. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, vi-rút sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ bị lây bệnh sẽ có nhiều mụn nước nổi và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ), bệnh do virus Varicella zoster gây ra, chủ yếu ở trẻ em. Xuất hiện 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ 1 – 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể.

Tiêm vắc xin và giữ vệ sinh để phòng bệnh

Lý giải nguyên nhân xuất hiện nhiều người lớn mắc thủy đậu, BS Hà cho biết, có thể những bệnh nhân này chưa từng được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, hoặc do miễn dịch kém.

Các bác sĩ cảnh báo, hiện đang là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất trong năm, để phòng tránh bệnh thủy đậu lây lan ra cộng đồng, nên đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện bệnh sớm và cách ly người bệnh 7-10 ngày.

Bên cạnh đó, cần vệ sinh mũi họng bệnh nhân hang ngày bằng nước muối sinh lý cũng như làm vệ sinh thân thể, các đồ dùng cá nhân, nơi sinh hoạt của người bệnh.

PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ khuyến cáo: Đối với trẻ nhỏ, căn bệnh này đã có vắc-xin phòng ngừa, do đó, việc tiêm chủng là biện pháp phòng hữu hiệu nhất. Hiện tại, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu đã có tại trung tâm y tế dự phòng, các địa điểm tiêm chủng. Loại vắc-xin này hầu như không có tác dụng phụ; khoảng 5% sốt nhẹ sau khi tiêm, có tác dụng miễn dịch lâu dài. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo của một số người không hiểu biết về y khoa mà dùng thuốc sai lầm.

Đã có không ít những trẻ bị thủy đậu bội nhiễm rất nặng, do đã đắp các loại lá, hoặc rắc các thuốc bột bán trôi nổi tại các góc chợ, vỉa hè. Có trẻ được gia đình cho uống thuốc “đề xa” (1 loại corticoid), điều này rất vì làm bệnh nặng lên rất nhanh! Đối với trẻ nhỏ bị bệnh, cần lưu ý giữ gìn vệ sinh, không để các em gãi trầy xước các nốt phỏng nước sẽ dẫn đến nhiễm trùng da.