ThienNhien.Net – Cây xoài có tên khoa học là Mangifera indicaL.(Anacardiaceae). Cả thế giới gọi là "Vua của loài quả". Xoài là một thức ăn bổ não, rất tốt cho những người làm việc nhiều bằng trí óc, thi cử. Tuy nhiên không nên ăn xoài lúc đói qúa và sau bữa ăn no, đang có các bệnh nhiệt sốt vì bản chất xoài nóng như hành, tỏi, ớt. Không nên ăn nhiều đối với cả hai loại xoài xanh và chín.
Quả xoài theo Đông y lúc chín có vị ngọt (có loại hơi chua), tính bình. Có sách nói ôn hoặc lương, nhưng ôn thì hợp lý hơn vì chứa nhiều đường ngọt, ăn nhiều sẽ bị “phát nhiệt”, trẻ em bị rôm sảy.
Ăn ít nhuận tràng, ăn nhiều có thể tiêu chảy cũng do quá ngọt. Quả xanh chua chát gây táo bón nếu ăn nhiều. Cũng do tanin và xơ, ăn vào lúc đói nồng độ dịch vị cao sẽ tạo điều kiện gây vón làm tắc ruột.
Về tác dụng sinh lý, quả xoài chín kích thích tiết nước bọt, chống khát khô họng, lợi tiểu chống phù thũng, nhuận tràng chống táo bón.
Theo y học hiện đại, xoài có thành phần hóa học như sau: 100g xoài chín cho 65 calo, 17g hydrat cacbon, 3.894 UI.vitamin A (78% nhu cầu hằng ngày), 28mg vitamin C (46% nhu cầu), 1mg E (10%)… Đường của xoài là loại cấp năng lượng nhanh. Quả xanh ít vitamin A và nhiều vitamin C.
Xoài có những tác dụng sau: Chất glucozit chống viêm, ung thư, diệt khuẩn. Xoài làm giảm cholesterol, hạ huyết áp phòng chống bệnh tim mạch, tăng nhu động ruột thải nhanh chất cặn bã trong ruột nên phòng chống được bệnh ung thư ruột kết.
Cách ăn xoài chín an toàn là thái nhỏ, làm nhuyễn, không để cả lát to, không nhai dối, nuốt chửng (chú ý đối với trẻ em và người già răng yếu).
Dưới đây là một số công dụng phòng chữa bệnh từ xoài:
Thịt quả xoài
– Chống khát khô giọng miệng, ho khản cổ, mất tiếng, viêm họng: Ăn uống xoài tươi hoặc lấy nước, ngậm xoài khô, mứt. Dùng tốt cho thầy cô giáo, ca sĩ…
– Chống say tàu xe, buồn nôn: Ăn sống hoặc nấu chín còn cứng giòn.
– Chữa ăn không tiêu, trẻ bị cam tích: Ăn xoài chín tươi vào các buổi tối.
– Chữa táo bón và đau dạ dày thừa toan: Ăn xoài chín.
– Chảy máu chân răng (thiếu vitamin C): Dùng quả xoài gần chín còn chứa nhiều vitamin C làm các dạng thích hợp. Hoặc ăn xoài chín, uống nước ép.
– Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng: Ăn xoài chín thái nhỏ hoặc nghiền. Hoặc làm bột khô hòa nấu với sữa để được cung cấp vitamin A.
– Ho đờm nhiều do phế nhiệt: Ăn xoài chín tươi.
– Bồi bổ trí não, chữa suy nhược thần kinh: Ăn xoài tươi chín hằng ngày trước bữa ăn.
– Chữa bỏng nước sôi, bỏng lửa: Lấy phần thịt xoài chín cắt lát hoặc giã nhuyễn đắp có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, diệt khuẩn.
– Chữa các bệnh đường hô hấp. Dùng xoài xanh tươi hoặc khô nấu với thịt heo nạc. Có thêm 1 miếng trần bì (vỏ quýt lâu năm).
– Giải nhiệt, chống mỏi mệt mùa hè: Nấu canh chua xoài xanh với các loại cá đồng.
Vỏ quả xoài
– Cầm máu ở các trường hợp chảy máu: Ho, nôn, đại tiểu tiện, rong kinh… Vỏ quả xoài chín khoảng 30g sắc nước uống. Hoặc nấu thành cao lỏng (1ml-1g) rồi lấy ra pha loãng để uống. Uống mỗi lần 1 thìa con (thìa cà phê 15ml). Uống cách nhau vài giờ.
– Viêm da, chàm: Vỏ quả xoài 150g, nấu lấy nước để rửa, bã đắp.
– Thủy thũng: Vỏ quả xoài 15g, nhân hột xoài 30g. Sắc uống ngày 1 lần. Chu ý nhân hạt xoài có độc gây say.
– Sâu răng: Lấy vỏ thân cây xoài sắc đặc chấm hoặc pha loãng ngậm phía răng sâu. có thể phối hợp với các vị khác.
Lá xoài
– Chữa cao huyết áp: Sắc nước lá xoài khô để uống. Hái để sau 1 ngày thì dùng được, thái nhỏ hãm nước sôi sau 1 giờ lọc lấy nước uống thay nước uống hàng ngày hoặc ngày 2 bát trong 3 ngày liền, nghỉ 1 ngày uống tiếp. Lá xoài có tác dụng an thần.
– Chữa đái tháo đường. Do lá xoài có chất anthxyanidin có tác dụng hạ đường huyết, phòng các biến chứng ở mắt và mạch máu do đái tháo đường.
– Hạt xoài trị giun sán: Nhân hạt xoài 20g, hạt chanh 15g, 2 thứ giã nát. Đổ 2 bát nước sắc còn một bát. Uống vào sáng sớm vừa ngủ dậy khi chưa ăn gì. Uống xong nằm nghỉ 1 lúc. Uống liền 3 buổi sáng. Chú ý hạt xoài có độc cần theo dõi trong thời gian dùng thuốc.