ThienNhien.Net – Chiều 09/03, chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và doanh nghiệp hữu quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ chủ trương khuyến khích và cho phép thực hiện cơ chế ưu đãi về thuế, vay vốn trên cơ sở tính hiệu quả, kinh tế của từng dự án trong lĩnh vực phát triển nhiên liệu sinh học.
Khẳng định phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, có thể tái tạo để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường là một hướng đi cần thiết của ngành năng lượng nước ta, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban điều hành liên ngành (Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban) tăng cường xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật công nghệ, vận hành các nhà máy.
Có đủ tiềm năng phát triển một nguồn nhiên liệu mới
Sản xuất nhiên liệu sinh học là vấn đề còn khá mới mẻ tại Việt Nam, trong khi ở các nước, ngành công nghệ này đã được phát triển khá cao. Hiện có khoảng 50 nước trên thế giới khai thác và sử dụng nhiên liệu sinh học ở các mức độ khác nhau. Đó là những nhiên liệu được sản xuất từ dầu thực vật sạch, ethanol (chiết xuất từ ngô, mía đường, sắn), diesel sinh học…
Hiện nay, mỗi năm trên thế giới đã sản xuất khoảng trên 50 tỷ lít ethanol (75% dùng làm nhiên liệu) và dự kiến đến năm 2012 sẽ đạt khoảng 80 tỷ lít; 4 triệu tấn diesel sinh học và năm 2010 sẽ tăng lên khoảng 20 triệu tấn diesel sinh học (B100)…
Còn tại Việt Nam, cuối 2008 tại Hà Nội đã làm thí điểm xăng pha ethanol dùng cho xe hơi có tên thương mại là Gasohol E5 với hy vọng sẽ phổ biến rộng rãi trên thị trường để giải quyết tình trạng xăng dầu giá cao làm đội giá thành của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Tuy nhiên ngay sau đó việc bán nhiên liệu này đã phải tạm ngưng vì chưa kiểm tra đầy đủ về chất lượng và chưa có quy chuẩn cho loại nhiên liệu này theo quy định của pháp luật. Tương tự là trường hợp dầu diesel làm từ mỡ cá basa được sử dụng để chạy máy nổ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay đang có 3 dự án tiến hành các thủ tục để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cồn nhiên liệu với tổng công suất thiết kế khoảng 300 triệu lít/năm, trong đó 1 cơ sở của Công ty cổ phần Đồng Xanh sẽ đi vào sản xuất cuối năm nay và 2 cơ sở thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động cuối 2010 và 2011.
Ngoài ra, cộng với một số doanh nghiệp khác đang triển khai dự án cồn và phát triển nhiên liệu khác, theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2011 cả nước sẽ có 5 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất thiết kế đủ để pha 7,3 triệu tấn xăng E5.
Mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam là đến năm 2010 sẽ xây dựng và phát triển được mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5/năm, bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Giai đoạn 2011-2015, xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước, đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước. |
Các dự án cần triển khai đồng bộ vùng nguyên liệu, xử lý môi trường
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Ban điều hành liên ngành Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 tầm nhìn 2025 sớm ban hành các cơ chế, chương trình hành động cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các dự án để có cơ sở triển khai hiệu quả, tối ưu hóa tính kinh tế của từng dự án. Định hướng là khuyến khích và yêu cầu các chủ đầu tư phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, xử lý môi trường tốt.
Về vấn đề phân phối, Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện từng bước, theo nhu cầu tiêu thụ chứ chưa bắt buộc tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học do năng lực sản xuất của các dự án hiện mới ở quy mô nhỏ.
Các Bộ, doanh nghiệp hữu quan lên kế hoạch triển khai mạnh hơn các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các sản phẩm mới như diesel sinh học B5.
Về mặt công nghệ, sớm đưa ra kết quả một số dự án pha chế, chạy thử và triển khai kinh doanh thí điểm sản phẩm xăng Ethanol E5 và Diesel sinh học B5, hình thành vùng nguyên liệu gắn liền với phát triển công nghiệp chế biến dầu diesel sinh học, nghiên cứu sản xuất Bio-Diesel từ cây cọc rào,…