ThienNhien.Net – Từ ngày 04 – 06/03/2009 tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF), Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) đã đồng tổ chức hội thảo quốc gia về “Gắn kết bảo tồn rừng, phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo – Các vấn đề và phương thức tiếp cận ở Việt Nam”.
Hội thảo là một phần của dự án “Bảo tồn và Phát Triển tại lưu vực sông Mekong” của CIFOR và dự án “Đền đáp, sử dụng và chia sẻ đầu tư trong chi trả các dịch vụ môi trường vì người nghèo – RUPES II” của ICRAF. Tham gia hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, Cục trưởng cục kiểm lâm Hà Công Tuấn, cùng các đại diện của các Bộ, ban, ngành, và đông đảo các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị đã nhấn mạnh: “Suy thoái môi trường, dân số tăng nhanh và sản xuất trì trệ thường gắn liền với nghèo đói ở hầu hết các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã và đang có những phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng vấn đề xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế vẫn được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Thể hiện nhận thức đúng đắn về mối quan hệ chặt chẽ giữa xoá đói giảm nghèo và bảo tồn rừng, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu giảm tỉ lệ nghèo của toàn quốc xuống dưới 40% và phục hồi tỉ lệ che phủ rừng lên 43% vào năm 2010. Ngoài mục đích trên, việc gắn kết bảo tồn rừng, phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo còn là giải pháp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và đói nghèo”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đi sâu vào nhiều vấn đề về lâm nghiệp như: các vấn đề thực tiễn trong kết hợp bảo tồn và phát triển, thực trạng rừng cộng đồng và cơ cấu khuyến khích nhằm bảo vệ rừng hữu hiệu, tầm nhìn cũng như vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn.
Vấn đề chi trả dịch vụ môi trường (PES), đặc biệt là chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) cũng được đưa ra thảo luận. Các vấn đề được tập trung thảo luận bao gồm: Quỹ môi trường, quỹ bảo vệ và phát triển rừng, mối quan hệ giữa người dân vùng cao với chi trả dịch vụ môi trường, môi quan hệ giữa chi trả dịch vụ môi trường với việc cải thiện sinh kế người nghèo, vai trò các bên trung gian trong quá trình hỗ trợ PES cho người nghèo, cũng như các công cụ kinh tế tiềm năng trong đánh giá các dịch vụ môi trường.
Cũng trong hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Minh Thoa nhận định: “Tài nguyên rừng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng chưa được quản lý bền vững. Mất rừng và suy thoái rừng trên thế giới đã làm phát thải khoảng 18% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, đang góp phần làm tăng thêm tính cực đoan của khí hậu toàn cầu và là một trong những nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu”.
Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, do vậy Việt Nam cần có một kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc quản lý và phát triển rừng bền vững.
Biến đổi khí hậu có quan hệ tương tác biện chứng với lâm nghiệp. Lâm nghiệp vừa chịu tác động không tốt của biến đổi khí hậu đồng thời lại là công cụ đắc lực có tác dụng giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Vì vậy, để chủ động thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, lâm nghiệp đã và đang được coi là một lĩnh vực quan trọng trong Khung chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Vấn đề biến đổi khí hậu đã được đề cập tới trong Chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020, đặc biệt là trong Chương trình Quản lý và Phát triển rừng bền vững. Sáng kiến về Cơ chế giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD) đã được Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực tham gia, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm ủng hộ.
Theo nhiều đại biểu, để kế hoạch hành động được triển khai hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần chia sẻ quan điểm, phương pháp và cách tiếp cận các tổ chức trong nước và ngoài nước về lĩnh vực xã hội hóa và phát triển rừng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những kinh nghiệm này sẽ đóng góp đáng kể vào kế hoạch hành động của Việt Nam.