ThienNhien.Net – Có một thực tế diễn ra hàng năm, lặp đi lặp lại giống một điệp khúc là hơn 30 nhà máy chế biến xuất khẩu (CBXK) thủy sản của tỉnh Cà Mau luôn thiếu tôm nguyên liệu vào những tháng mùa khô, công suất hoạt động trên dưới 25%, công nhân thiếu việc làm và doanh nghiệp như ngồi trên lửa, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng bất cập đó, gây bất lợi cho kinh tế thủy sản của tỉnh.
Nguyên nhân của vấn đề này thì nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản gây thiếu hụt tôm nguyên liệu chính là những quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của Cà Mau hầu như còn “nằm trên giấy” từ nhiều năm qua, dẫn đến tăng trưởng về sản xuất nguyên liệu của tỉnh không theo kịp sự phát triển, tăng trưởng của CBXK.
Trên lĩnh vực nuôi tôm sú công nghiệp giai đoạn 2005 – 2010, Cà Mau quy hoạch nuôi 11.000 ha, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 800 ha, giảm 500 ha so với năm 2008 và phần lớn diện tích này do hộ dân tự đầu tư nuôi, tiềm ẩn rủi ro cao, chưa thật sự bền vững.
Theo quy hoạch chung, phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau tập trung dọc hai bên bờ sông Cửa Lớn, nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch, nhưng đến thời điểm này chưa thấy “động tĩnh” gì và gần như còn ở điểm xuất phát. Điều đó cho thấy sự yếu kém của ngành chức năng, nhất là ban chỉ đạo, thiếu quy hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, thiếu những giải pháp đồng bộ, chưa có đầu tư cụ thể và sự phối hợp thực hiện của các ngành hữu quan còn “chung chung”…
Trong khi đó, phát triển nuôi tôm sú công nghiệp cần có nguồn vốn lớn, đầu tư bình quân 250 triệu đồng/ha; công nghệ và kỹ thuật cao; chất lượng con giống tốt; thủy lợi và môi trường, nguồn nước phải đảm bảo, kiểm soát chặt chẽ… Những điều kiện, yếu tố cần thiết này vượt ngoài khả năng của nông dân nên quy hoạch nuôi tôm sú công nghiệp ở Cà Mau không thành công, không tạo ra được sản lượng như kế hoạch đề ra dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho CBXK.
Tiếp đến, Cà Mau quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2010 hơn 10.800 ha, nhưng vẫn chỉ là “quy hoạch chung chung”, không có sự đầu tư cụ thể, thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu vốn triển khai thực hiện và chưa được sự đồng thuận cao của người dân trong vùng dự án. Hiện, Cà Mau có khoảng 150 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trong và ngoài vùng quy hoạch, nhưng do nhiều nguyên nhân tác động bất lợi nên có khoảng 80% diện tích nuôi bị thiệt hại. Tương tự, quy hoạch nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi tôm sinh học, nuôi tôm sinh thái dưới chân rừng đước và nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản khác chỉ là quy hoạch “treo”.
Có thể nói, nông dân tự bơi trên đồng đất, “nuôi được con nào ăn con đó” trong điều kiện môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, hệ thống thủy lợi bất cập, không đáp ứng nhu cầu, con giống chất lượng yếu kém, thiếu vốn đầu tư, tôm nuôi bị bệnh và chết liên tục…
Thực tế, là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm, với diện tích hơn 264.500 ha, nhưng năng suất tôm nuôi ở Cà Mau thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, khoảng 350 – 360 kg/ha. Sau hơn 8 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, Cà Mau vẫn chưa có gì đột phá, đổi mới trong nuôi tôm, vẫn là cách nuôi truyền thống thâm canh và bán thâm canh năng suất thấp, trên dưới 256 kg/ha. Sản lượng tôm nuôi trong 2 tháng đầu năm nay của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 10.000 tấn, giảm 31% so với cùng kỳ, gây thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng cho CBXK./.