ThienNhien.Net – Đến với điểm du lịch Thiên Sơn-Suối Ngà trong Vườn Quốc gia Ba Vì những ngày này, du khách có điều kiện cảm nhận sâu hơn giá trị khu rừng – báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Hà Nội, Hà Đông, vùng phụ cận và chuỗi đô thị Miếu Môn-Xuân Mai-Hoà Lạc-Sơn Tây trong tương lai gần. Đáng mừng là con người nơi đây không chỉ biết kinh doanh mà còn đặt lên hàng đầu công tác trồng rừng và bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
Vườn Quốc gia Ba Vì (VQGBV) được thành lập năm 1991, tiếp giáp 16 xã vùng đệm, trong đó có 7 xã thuộc huyện Ba Vì với tập quán lâu đời của một bộ phận dân địa phương là tự nhiên vào rừng lấy gỗ, đốt than, khai thác tài nguyên rừng khá tuỳ tiện…VQGBV có diện tích không lớn, khoảng 11.000 ha nhưng rất mừng là đã có trên 2000 ha rừng được trồng mới, đang phát triển tốt. Đặc biệt, những năm gần đây VQGBV không để xảy ra tình trạng cháy rừng, gây hậu quả lớn; tình trạng khai thác tài nguyên rừng tùy tiện cơ bản chấm dứt. Hiện có khoảng 150 tập thể, cá nhân, đơn vị nhận khoán trồng cây, chăm sóc, bảo vệ rừng ở VQGBV.
VQGBV chia làm 3 phân khu hệ sinh thái gồm: phân khu bảo tồn nguyên vẹn rừng nguyên sinh với diện tích 2.752 ha; phân khu phục hồi sinh thái 8.279 ha và diện tích còn lại thuộc phân khu dịch vụ hành chính hệ sinh thái rừng tạo nên một màu xanh từ 3 thảm thực vật chính là: loại rừng kín lá rộng – một quần thể nguyên sinh với đầy đủ các loại cây bản địa tập trung ở núi Ngọc Hoa, Tản Viên, Đỉnh Vua với độ cao 1000 m trở lên (so mực nước biển); loại rừng kín xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim của rừng nhiệt đới núi thấp với độ cao 900 m và loại rừng thưa nhiệt đới phân bổ đều khắp ở vành đai có độ cao 400-700 m xung quanh sườn núi Ba Vì.
Ông Đỗ Khắc Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, đến thời điểm này, Vườn Quốc gia BaVì đã trồng và khoanh nuôi được gần 1.200 ha rừng, cải tạo làm giàu rừng trên 170 ha và xây dựng vườn thực vật có diện tích 12 ha.
Với phương châm quản lý và bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, Vườn đã tổ chức khoán quản lý bảo vệ rừng cho 148 hộ gia đình với tổng diện tích 1.200 ha trong khu phục hồi sinh thái nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân vùng đệm, tăng thu nhập đồng thời tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng của các hộ gia đình. Ban quản lý Vườn cũng phối hợp chặt chẽ với từng thôn bản để xây dựng quy ước bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ phá rừng.
Đặc biệt, thuộc phạm vi Vườn quản lý, hiện có 6 doanh nghiệp thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho dân và đảm bảo phát triển rừng hài hoà theo 2 lợi ích: bảo vệ và phát triển rừng. Trong 5 năm qua, kể từ khi được thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, các doanh nghiệp này đã trồng mới được hơn 50 ha rừng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 người dân trên địa bàn. Một số diện tích rừng nghèo hoặc đất trống do bị chặt phá trước đây đều đã phục hồi tốt, môi trường sinh thái tại các điểm cho thuê được tôn tạo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Ngoài vai trò của “lá phổi xanh”, giá trị của rừng Ba Vì còn thể hiện rõ qua các hệ thực vật phong phú, đa dạng với 812 loài thực vật bậc cao thuộc các họ thực vật khác nhau, trong đó có 18 loài cây cho gỗ quý hiếm như bách xanh, sến mật, lát hoa, lim xanh, trầm….Do được bảo vệ, tồn tại và phát triển tốt, tự nhiên, VQGBV hiện có 45 loài thú, 140 loài chim quý hiếm.