ThienNhien.Net – Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng gần 1.000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động, trong đó phần lớn là cơ sở có quy mô vừa và nhỏ với công nghệ khá lạc hậu và máy móc, trang thiết bị khá cũ kỹ.
Mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh thải ra trên 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế, sử dụng lại được, còn lại là chất thải hữu cơ được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại các bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), Đa Phước (huyện Bình Chánh) và một số ít dùng sản xuất phân compost .
Việc tái chế chất thải công nghiệp như nhựa, giấy, thủy tinh, sắt thép chủ yếu dựa vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải từ đội ngũ khoảng gần 20.000 lao động mua ve chai ở khắp các quận huyện, phường xã và do các cơ sở tư nhân có quy mô vừa và nhỏ đảm trách.
Phần lớn thiết bị, máy móc của các cơ sở tái chế chất thải công nghiệp được các cơ sở tự chế tạo, hoặc mua công nghệ chế tạo trong nước theo kiểu bán tự động nên thiếu độ chuẩn xác cao, gây lãng phí khá nhiều năng luợng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi sản xuất.
Điển hình, các cơ sở cao su tái sinh, giấy, bao bì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn kênh rạch, không khí của nhiều khu dân cư ở các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi trong khi chỉ cho ra sản phẩm chất lượng thấp như túi nilon, nhựa tái sinh, giấy vụn, thủy tinh.
Do vậy, các cơ sở tái chế chất thải cần phải đầu tư kinh phí trang bị thêm một số máy móc mới và áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến hơn. Ví dụ như Công ty nhựa Trường Thịnh với việc đổi mới công nghệ làm nóng vòng nhiệt gia nhiệt cho sản xuất ống nhựa đã hạn chế tình trạng dư nhiệt, máy chạy non tải đã tiết kiệm được lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất trị giá lên đến 40 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu gần 1.000 cơ sở tái chế chất thải của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ cần đầu tư, đổi mới khâu sử dụng năng lượng trong sản xuất hiệu quả hơn thì cũng có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền điện mỗi năm, nâng cao được chất lượng sản phẩm tái chế và hạn chế rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Thời gian qua, Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh (có vốn 100 tỷ đồng) đã cho hàng chục cơ sở chế biến chất thải quy mô vừa và nhỏ được vay vốn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/cơ sở, với lãi suất thấp để đầu tư, trang bị mới dây chuyền công nghệ, mua sắm thêm nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến chất thải, trong đó ưu tiên cho các dự án đầu tư về công nghệ tái chế nhựa.
Quỹ còn hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở chế biến chất thải tìm kiếm mặt bằng phù hợp với yêu cầu sản xuất của từng dự án, từng cơ sở, ưu tiên bố trí mặt bằng, đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn cho các dự án tái chế trong các khu liên hiệp xử lý chất thải của thành phố.
Hiện nay 3 dự án xây dựng nhà máy tái chế chất thải có quy mô lớn với công nghệ hiện đại là dự án của Công ty Cổ phần môi trường Việt-Úc, dự án của Công ty nhựa Sài Gòn và dự án của Công ty TNHH Vĩnh Phong cũng đang được tích cực triển khai ở huyện Củ Chi, với dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm./.