Sự thất hứa của “nhà giàu”

ThienNhien.Net – Bảy năm trước, nhóm các nước phát triển nhất thế giới cùng nhau cam kết dành gần 18 tỷ USD cho các nước nghèo để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhưng theo điều tra của tờ The Guardian của Anh, các nước này mới chỉ giải ngân chưa đầy 900 triệu USD, tức chưa đến 10%. Sự trì hoãn kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho các quỹ hỗ trợ ứng phó.
 
Nghiên cứu của Viên Phát triển Hải ngoại tại Luân Đôn với sự xác nhận của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy những nước nghèo nhất trên thế giới nhận được ít sự giúp đỡ nhất từ các nước giàu. Quỹ hỗ trợ cho các nước nghèo nhất trên thế giới mới chỉ giải ngân được 47 triệu USD trong vòng 7 năm vừa qua. 
 

Việc các nước giàu không thực hiện đầy đủ các cam kết càng làm tăng thêm mối nghi ngờ từ các nước nghèo cũng như ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán quan trọng về  đối phó với BĐKH toàn cầu. LHQ đã cảnh báo rằng việc hình thành bản hiệp ước toàn cầu về BĐKH để thay thế cho nghị định thư Kyoto sẽ găp nhiều khó khăn nếu các nước giàu không nhanh chóng giải ngân khoản hỗ trợ đã cam kết.
 
Ông Bernarditas Muller, nhà đàm phán chính của nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung quốc phát biểu: “Đây quả là một vấn đề phức tạp. Số tiền mà các nước phát triển hỗ trợ cho những nước nghèo rất nhỏ giọt. Nó thực sự xúc phạm đến những người dân đang phải chịu đựng những hiện thượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng. Điều này sẽ tác động xấu đến các cuộc đàm phán về BĐKH của LHQ.”
 
Theo LHQ, mỗi năm các nước nghèo cần từ 50-70 tỷ USD để đối phó với các thiên tại và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán, các đợt nóng kéo dài. Khoản này sẽ còn gia tăng theo thời gian.
 
“Tôi thấy nản lòng. Sự đóng góp cho các quỹ thấp một cách đáng thất vọng. Nếu không có những hỗ trợ về tài chính quan trọng thì chúng ta sẽ khó có được những cam kết đến từ những nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán về BĐKH.,” Yvo de Boer, Thư ký điều hành Hiệp định khung LHQ về BĐKH(UNFCCC) nói.
 
Các nước giàu đã thừa nhận trách nhiệm của họ trước vấn đề BĐKH và có những cam kết về mặt pháp lý trong Nghị định thư Kyoto. Họ cũng đã hứa hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo đối phó với BĐKH, nhưng vẫn chưa có các sự thúc đẩy thực thi hay các mục tiêu cụ thể.
 
“Tình hình ngày càng tồi tệ. Số tiền cam kết thì ít ỏi. hệ thống phân phối thì lỏng lẻo. Có một khoảng cách lớn giữa việc hứa và việc thực hiện lời hứa. Điều này thực sự bất lợi cho các cuộc đàm phán của LHQ cũng như cho cả nhân loại,” ông Juan Lozano Ramirez, Bộ trưởng Môi trường của Colombia phát biểu
 
Các nước giàu nhất với Anh, Nhật, Mỹ đi đầu đã cam kết đóng góp 6,1 tỷ USD cho các quỹ hỗ trợ BĐKH mà đại diện lớn nhất là Ngân Hàng Thế Giới (NHTG). Nhưng thực tế chưa có tiền đầu tư vào các quỹ này và chưa có tiền mặt cho những khoản vay, không có hỗ trợ, cũng như điều kiện nghiêm ngặt về giải ngân tiền. Một dự án dành cho 8 quốc gia đã được phát triển nhưng suốt một năm qua chưa hề có khoản tiền nào được giải ngân.
 
NHTG đã 4 quỹ về BĐKh nhưng tiền thì vẫn chưa được rót vào. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các nhà phân tích cho rằng các nước giàu sẽ viện nhiều cớ khác nhau để trì hoãn việc  thực thi các cam kêt. Các nước nghèo thì không muốn NHTG quản lý số tiền mà các nước giàu cam kết hỗ trợ, vì cho rằng NHTĐ hoạt động vì lợi ích của các nước giàu
 
Nguồn tài trợ lớn thứ 2 là của LHQ, thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), hàng năm phân phối 250 triệu USD để giúp các nước nghèo thực hiện các dự án BĐKH. 1/3 tổng số tiền 760 triệu USD được giải ngân trong vòng 3 năm qua được dành cho Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khi 49 nước nghèo nhất trên thế giới chỉ được nhận chưa đầy 100 triệu USD.
 

Trong 4 năm qua, châu Phi – châu lục nghèo nhất nhưng có nguy cơ  hứng chịu thiệt hại lớn do BĐKH – nhận được chưa đến 12% số tiền cam kết của các quỹ về BĐKH. Các nước nghèo mất trung bình hơn 3 năm để có thể tiếp cận với các khoản tiền hỗ trợ.

Các chỉ trích tập trung vào quỹ các nước kém phát triển nhất (LCDF) thuộc GEF. Trong 7 năm qua, các nước giàu nhất thế giới đã đóng góp 172 triệu USD nhưng mới chỉ có 47 triệu USD được giải ngân, thường cho các dự án rất nhỏ. Một Quỹ thích ứng với BĐKH độc lập cho các nước nghèo được thành lập từ năm 2002 nhưng cũng mới chỉ hỗ trợ tài chính cho 22 dự án với tổng trị giá 50 triệu USD.
 
Phát ngôn viên của GEF phân bua: “Mặc dù LCDF đã được thành lập từ năm 2001 nhưng UNFCC thì mới có hiệu lực từ năm 2005. Chúng tôi hy vọng trong năm 2009 này sẽ có ít nhất 12 dự án sẽ được phê duyệt. Đến nay đã có 3 dự án bắt đầu thực thi.”
 
Nguồn cung cấp thứ 3 cho các quỹ BĐKH đó là từ các hiệp ước, cam kết song phương, giữa các quốc gia với nhau. Nhật Bản đã cam kết khoản hỗ trợ chính thức hơn 10 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm tới, hiện nay vẫn chưa triển khai. Tây Ban Nha cũng cam kết 528 triệu USD nhưng mới chỉ giải ngân 85 triệu USD. Nauy, Đức, Úc, và các nước phát triển khác cũng cam kêt hỗ trợ nhưng thực hiện rất ít.
 
Đại diện của CSRL (một liên minh gồm 70 nhóm bảo vệ môi trường của Bangladesh) tỏ ra quan ngại: “Hỗ trợ cho BĐKH hiện nay vừa thiếu mà lại phức tạp. Trong số 15 dự án dự kiến được triển khai tại Bangladesh năm 2005, duy nhất 1 dự án được thông qua bởi GEF và mới mới chỉ nhận được 3,1 triệu USD. Bangladesh sẽ phải tìm nguồn khác để hỗ trợ phần còn lại.”
 
Alison Doig, người phát ngôn của Tổ chức Christian Aid, phát biểu” Khoản tiền hỗ trợ dành cho các quốc gia nghèo hiện nay chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với chi phí thực tế và chưa bằng 1% gói kích thích kinh tế 2800 tỷ USD của các nước giàu. Làm chệch hướng các quỹ hỗ trợ thích ứng với BĐKH có nghĩa là khiến các nước nghèo phải hứng chịu thiệt hại gấp đôi. Các quỹ này quá nhỏ và không trực tiếp hướng tới các quốc gia nghèo đang chịu tác động nhiều nhất từ BĐKH. Vì thế, các nước nghèo đang bị bỏ rơi và như vậy cũng đồng nghĩa với các nỗ lực giảm nghèo đang bị cắt giảm.”
 
Anh là nước cam kết hỗ trợ lớn thứ hai, chỉ sau nhật. Theo kế hoạch, Anh sẽ chi 800 triệu bảng cho Quỹ biến đổi môi trường của NHTG, 50 triệu bảng để bảo vệ rừng ở lưu vực sông Công-gô và 75 triệu bảng để giúp Bangladesh thích nghi với BĐKH. Vậy mà đến nay, chưa có khoản tiền nào được giải ngân.
 
Ông Muller nói: “ Mọi người cũng đang cảm nhận tác động của BĐKH hiện nay. Chúng ta sẵn sàng để làm nhiều hơn nhưng cũng cần các nước giàu thể hiện sự nhiệt tình, sẵn sàng hơn.”